01-09-2013
Cha Tôi
Huy Đức
NQL: Hôm nay nay dự lễ đại thọ của ông già Huy Đức khi ông bước sang 101 tuổi. Ông già Huy Đức sinh năm 1912, đúng năm sinh ông già của mình, nhưng ông gìa của mình đã mất cách đây 28 năm. Hạnh phúc vô biên với những ai có người cha đại thọ như ông già của Huy Đức, nhân dịp này xin chúc mừng Huy Đức và gia đình anh.
Xin giới thiệu bài phát biểu của Huy Đức tại lễ đại thọ của ông già.
Anh em chúng tôi tổ chức lễ mừng thọ bách niên cha (ông Trương Dưỡng) mà rất vui vì còn được đón mừng hai bậc cao niên khác trong gia đình, chú Trương Huy Thắng, em trai thứ 5 của cha tôi,năm nay 90 tuổi; cô Trương Thị Vân, em gái thứ 11 của cha tôi, năm nay 84 tuổi.
Dẫu rằng ngày nay, người thọ bảy mươi, tám mươi, không còn hiếm nữa, nhưng bách niên giai lão như cha tôi và thượng thọ như cô chú tôi vẫn là một ân huệ, một món quà vô giá của trời tổ tiên, trời đất.
Cha tôi sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh. Ông bà nội sinh hạ 11 người con nhưng chỉ nuôi được 7. Một người chú nữa hy sinh năm 1954 ở vùng biên Thanh Hóa - Lào. Tháng 8-1945, cha tôi - một người lính của "quan hai" Phan Tử Lăng - tham gia cướp chính quyền ở Huế. Trong chiến dịch Hạ Lào và chiến dịch Hà - Nam - Ninh, ông đã là đại đội trưởng, nhưng năm 1952, sau khi bị thương nặng, ông xuất ngũ.
Năm 1946, cha tôi đóng quân ở xã Phù Việt, ở đó ông yêu một người con gái xinh đẹp con địa chủ tên là Bùi Thị Tám nhưng họ không đến được với nhau. Bà Bùi Thị Tám giới thiệu một người bạn của bà cho cha tôi, người về sau trở thành mẹ tôi. Mẹ tôi cũng tên là Tám - NguyễnThị Tám.
Cha tôi chưa bao giờ thốt ra những lời yêu thương, chúng tôi đọc được những điều đó trong toàn bộ cuộc đời ông. Chúng tôi cũng rất vụng về khi sử dụng ngôn từ để bày tỏ tình yêu và sự kính trọng đối với song thân.
Di sản mà cha mẹ tôi để lại không phải là công danh, tiền bạc mà là sự hy sinh. Sau khi buông súng cha tôi dồn hết thời gian cho gia đình. Năm 1960 ông được đưa đi "xây dựng nông trường quốc doanh". Đơn vị mà ông đứng đầu được vinh danh là "Tổ lao động xã hội chủ nghĩa". Cá nhân ông ba năm liền được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc. Ông được bồi dưỡng điển hình, được điều ra Bộ Nông trường, nhưng đã từ chối con đường công danh, chọn ở lại quê nuôi 7 anh em chúng tôi ăn học.
Trong chiến tranh, nhà tôi ở cạnh ngã ba Khe Giao và ở cách không xa ngã ba Đồng Lộc. Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên bên cạnh hố bom, mắt thấy những đoàn xe chuyển quân, những chiếc máy bay Mỹ bổ nhào; tai nghe tiếng bom rít và từng tràng đạn pháo phòng không bắn trả.
Cha tôi bao giờ cũng là ngườixuống hầm sau cùng. Giáng sinh năm 1972, chúng tôi được thông báo, nếu nghe ba phát pháo thì phải ra hầm ngay vì đó là tín hiệu báo động có B-52. Suốt tuần đó, chúng tôi chạy lên, chạy xuống hàng chục lần nhưng B-52 chỉ ném xuống Hải Phòng, Hà Nội... Đêm ấy, khi nghe tiếng pháo hiệu, cha tôi nói: "Thôi các con cứ ngủ yên, chắc nó không đánh vùng ta đâu". Cha tôi sai nhưng điều đó đã cứu chúng tôi.
Ngay khi cha tôi vừa dứt lời, đất dưới chân giường rung chuyển, đêm bị xé ra bởi một bức tường âm thanh, tiếng bom tiếp nối tiếp tiếng bom, chát chúa. B-52 đánh ngay vào chỗ chúng tôi - đội Một, nông trường Thạch Ngọc.
Chiếc giường mà ba cha con tôi nằm được đặt thấp hơn mặt đất. Trên trần nhà được che chắn bởi những thanh gỗ chắc chắn. Không có quả bom nào rơi trúng nhà, nhưng khi mặt trời lên, chúng tôi nhìn thấy những tảng đá to nằm trên trần ngay chỗ giường chúng tôi nằm; tường đất bị sập, thủng; không có chiếc cột nhà nào là không bị mảnh bom xé toạc. Nếu chúng tôi đứng dậy chạy ra hầm thì có thể đã bị xé ra như những chiếc cột nhà.
Ngay khi vừa dứt tiếng bom, trong khi cha tôi "điểm danh" vợ, con, anh tôi chạy tới những gia đình đang bị bom vùi. Đêm ấy xóm tôi mất 6 người, trong đó, nhà chú Thận mất ba, ba đứa con còn lại của chú Thận từ đó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha tôi đưa ba chị em về ở trong nhà.
Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi đi ngủ trước. Mỗi sáng, khi ông đánh thức chúng tôi, cơm sáng và phần cơm gói mang đến trường cho buổi trưa đã được ông chuẩn bị. Mấy anh em tôi mỗi đứa học một trường, nhà xa, thường phải đi bộ từ 5 giờ sáng. Mùa Đông giờ ấy hãy còn rất rét và tối, cha tôi thường cùng chị tôi - học cách nhà 10 km - đi bộ cho tới khi mặt trời lên, có đông người ra đường, ông mới quay trở về.
Năm 1973, cha tôi về hưu -khi đó em gái út của chúng tôi chỉ mới lên ba, các anh của tôi, người thì đang chiến đấu ở miền Nam, người thì đi học xa - thay vì nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu một công việc khác, lần này không phải để "xây dựng chủ nghĩa xã hội" mà dựng cho anh em chúng tôi một căn nhà.
Căn nhà gỗ nhỏ của chúng tôi được nhiều người trầm trồ. Ông bắt đầu giúp hàng xóm làm nhà rồi không lâu sau trở thành một chủ thầu. Nhiều ngôi nhà như thế đã được ông dựng lên ở trong vùng.
Năm 1988, cha mẹ tôi chuyển vào Sài Gòn, nơi 4 anh em tôi, định cư. Tại đây, hai người gặp lại người bạn thời thanh niên, bà Bùi Thị Tám. Con trai bà Tám - Bùi Đức Thịnh - là bạn ở Sài Gòn của tôi nhưng mãi về sau này chúng tôi mới hay cha mẹ mình đã từng có một mối tình như vậy. Trong suốt hơn hai thập niên qua, gần như mỗi tuần, cha tôi lại đạp xe, cả đi lẫn về, 10 cây số, để thăm bà Tám.
Sống bách niên để chứng kiến con cháu sum vầy chắc chắn là hạnh phúc nhưng đồng thời cũng phải lần lượt chứng kiến bạn bè của mình bỏ mình. Mẹ tôi mất đã gần ba năm. Và, cách đây vừa đúng 50 ngày khi nhận được tin bà Bùi Thị Tám bệnh nặng, tôi chạy tới khi bà đang ở trong tình trạng hấp hối. Tôi bước ra ngoài gọi điện thoại cho em tôi. 15 phút sau cha tôi tới. Ông kéo ghế ngồi bên cạnh, cầm tay bà, không nói gì, chỉ 10 phút sau Bà Bùi Thị Tám mất.
Giờ đây, mỗi sáng cha tôi vẫn dậy sớm, tập thể dục, đi vài đường quyền rồi đạp xe năm, bảy ki lô mét thăm những người trong tổ hưu, trong hội người cao tuổi, những người gần như chỉ bằng tuổi con mình. Họ cùng làm thơ và đọc cho nhau nghe.
Tối nay, trong tiệc mừng bách niên cha tôi, có một phụ nữ trong tổ hưu lên đọc thơ "cách mạng". Chúng tôi hỏi cha có phát biểu hoặc đọc thơ không, ông bảo: "Thôi, những điều tao nói tụi bây không thích". Cha tôi vẫn sống với nhiều ký ức. Cho dù ông không muốn làm phiền thế hệ con cái mình, chúng tôi hiểu, trong ông, đó là những điều rất đẹp.
NQL: Hôm nay nay dự lễ đại thọ của ông già Huy Đức khi ông bước sang 101 tuổi. Ông già Huy Đức sinh năm 1912, đúng năm sinh ông già của mình, nhưng ông gìa của mình đã mất cách đây 28 năm. Hạnh phúc vô biên với những ai có người cha đại thọ như ông già của Huy Đức, nhân dịp này xin chúc mừng Huy Đức và gia đình anh.
Xin giới thiệu bài phát biểu của Huy Đức tại lễ đại thọ của ông già.
Anh em chúng tôi tổ chức lễ mừng thọ bách niên cha (ông Trương Dưỡng) mà rất vui vì còn được đón mừng hai bậc cao niên khác trong gia đình, chú Trương Huy Thắng, em trai thứ 5 của cha tôi,năm nay 90 tuổi; cô Trương Thị Vân, em gái thứ 11 của cha tôi, năm nay 84 tuổi.
Dẫu rằng ngày nay, người thọ bảy mươi, tám mươi, không còn hiếm nữa, nhưng bách niên giai lão như cha tôi và thượng thọ như cô chú tôi vẫn là một ân huệ, một món quà vô giá của trời tổ tiên, trời đất.
Cha tôi sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh. Ông bà nội sinh hạ 11 người con nhưng chỉ nuôi được 7. Một người chú nữa hy sinh năm 1954 ở vùng biên Thanh Hóa - Lào. Tháng 8-1945, cha tôi - một người lính của "quan hai" Phan Tử Lăng - tham gia cướp chính quyền ở Huế. Trong chiến dịch Hạ Lào và chiến dịch Hà - Nam - Ninh, ông đã là đại đội trưởng, nhưng năm 1952, sau khi bị thương nặng, ông xuất ngũ.
Năm 1946, cha tôi đóng quân ở xã Phù Việt, ở đó ông yêu một người con gái xinh đẹp con địa chủ tên là Bùi Thị Tám nhưng họ không đến được với nhau. Bà Bùi Thị Tám giới thiệu một người bạn của bà cho cha tôi, người về sau trở thành mẹ tôi. Mẹ tôi cũng tên là Tám - NguyễnThị Tám.
Cha tôi chưa bao giờ thốt ra những lời yêu thương, chúng tôi đọc được những điều đó trong toàn bộ cuộc đời ông. Chúng tôi cũng rất vụng về khi sử dụng ngôn từ để bày tỏ tình yêu và sự kính trọng đối với song thân.
Di sản mà cha mẹ tôi để lại không phải là công danh, tiền bạc mà là sự hy sinh. Sau khi buông súng cha tôi dồn hết thời gian cho gia đình. Năm 1960 ông được đưa đi "xây dựng nông trường quốc doanh". Đơn vị mà ông đứng đầu được vinh danh là "Tổ lao động xã hội chủ nghĩa". Cá nhân ông ba năm liền được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc. Ông được bồi dưỡng điển hình, được điều ra Bộ Nông trường, nhưng đã từ chối con đường công danh, chọn ở lại quê nuôi 7 anh em chúng tôi ăn học.
Trong chiến tranh, nhà tôi ở cạnh ngã ba Khe Giao và ở cách không xa ngã ba Đồng Lộc. Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên bên cạnh hố bom, mắt thấy những đoàn xe chuyển quân, những chiếc máy bay Mỹ bổ nhào; tai nghe tiếng bom rít và từng tràng đạn pháo phòng không bắn trả.
Cha tôi bao giờ cũng là ngườixuống hầm sau cùng. Giáng sinh năm 1972, chúng tôi được thông báo, nếu nghe ba phát pháo thì phải ra hầm ngay vì đó là tín hiệu báo động có B-52. Suốt tuần đó, chúng tôi chạy lên, chạy xuống hàng chục lần nhưng B-52 chỉ ném xuống Hải Phòng, Hà Nội... Đêm ấy, khi nghe tiếng pháo hiệu, cha tôi nói: "Thôi các con cứ ngủ yên, chắc nó không đánh vùng ta đâu". Cha tôi sai nhưng điều đó đã cứu chúng tôi.
Ngay khi cha tôi vừa dứt lời, đất dưới chân giường rung chuyển, đêm bị xé ra bởi một bức tường âm thanh, tiếng bom tiếp nối tiếp tiếng bom, chát chúa. B-52 đánh ngay vào chỗ chúng tôi - đội Một, nông trường Thạch Ngọc.
Chiếc giường mà ba cha con tôi nằm được đặt thấp hơn mặt đất. Trên trần nhà được che chắn bởi những thanh gỗ chắc chắn. Không có quả bom nào rơi trúng nhà, nhưng khi mặt trời lên, chúng tôi nhìn thấy những tảng đá to nằm trên trần ngay chỗ giường chúng tôi nằm; tường đất bị sập, thủng; không có chiếc cột nhà nào là không bị mảnh bom xé toạc. Nếu chúng tôi đứng dậy chạy ra hầm thì có thể đã bị xé ra như những chiếc cột nhà.
Ngay khi vừa dứt tiếng bom, trong khi cha tôi "điểm danh" vợ, con, anh tôi chạy tới những gia đình đang bị bom vùi. Đêm ấy xóm tôi mất 6 người, trong đó, nhà chú Thận mất ba, ba đứa con còn lại của chú Thận từ đó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha tôi đưa ba chị em về ở trong nhà.
Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi đi ngủ trước. Mỗi sáng, khi ông đánh thức chúng tôi, cơm sáng và phần cơm gói mang đến trường cho buổi trưa đã được ông chuẩn bị. Mấy anh em tôi mỗi đứa học một trường, nhà xa, thường phải đi bộ từ 5 giờ sáng. Mùa Đông giờ ấy hãy còn rất rét và tối, cha tôi thường cùng chị tôi - học cách nhà 10 km - đi bộ cho tới khi mặt trời lên, có đông người ra đường, ông mới quay trở về.
Năm 1973, cha tôi về hưu -khi đó em gái út của chúng tôi chỉ mới lên ba, các anh của tôi, người thì đang chiến đấu ở miền Nam, người thì đi học xa - thay vì nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu một công việc khác, lần này không phải để "xây dựng chủ nghĩa xã hội" mà dựng cho anh em chúng tôi một căn nhà.
Căn nhà gỗ nhỏ của chúng tôi được nhiều người trầm trồ. Ông bắt đầu giúp hàng xóm làm nhà rồi không lâu sau trở thành một chủ thầu. Nhiều ngôi nhà như thế đã được ông dựng lên ở trong vùng.
Năm 1988, cha mẹ tôi chuyển vào Sài Gòn, nơi 4 anh em tôi, định cư. Tại đây, hai người gặp lại người bạn thời thanh niên, bà Bùi Thị Tám. Con trai bà Tám - Bùi Đức Thịnh - là bạn ở Sài Gòn của tôi nhưng mãi về sau này chúng tôi mới hay cha mẹ mình đã từng có một mối tình như vậy. Trong suốt hơn hai thập niên qua, gần như mỗi tuần, cha tôi lại đạp xe, cả đi lẫn về, 10 cây số, để thăm bà Tám.
Sống bách niên để chứng kiến con cháu sum vầy chắc chắn là hạnh phúc nhưng đồng thời cũng phải lần lượt chứng kiến bạn bè của mình bỏ mình. Mẹ tôi mất đã gần ba năm. Và, cách đây vừa đúng 50 ngày khi nhận được tin bà Bùi Thị Tám bệnh nặng, tôi chạy tới khi bà đang ở trong tình trạng hấp hối. Tôi bước ra ngoài gọi điện thoại cho em tôi. 15 phút sau cha tôi tới. Ông kéo ghế ngồi bên cạnh, cầm tay bà, không nói gì, chỉ 10 phút sau Bà Bùi Thị Tám mất.
Giờ đây, mỗi sáng cha tôi vẫn dậy sớm, tập thể dục, đi vài đường quyền rồi đạp xe năm, bảy ki lô mét thăm những người trong tổ hưu, trong hội người cao tuổi, những người gần như chỉ bằng tuổi con mình. Họ cùng làm thơ và đọc cho nhau nghe.
Tối nay, trong tiệc mừng bách niên cha tôi, có một phụ nữ trong tổ hưu lên đọc thơ "cách mạng". Chúng tôi hỏi cha có phát biểu hoặc đọc thơ không, ông bảo: "Thôi, những điều tao nói tụi bây không thích". Cha tôi vẫn sống với nhiều ký ức. Cho dù ông không muốn làm phiền thế hệ con cái mình, chúng tôi hiểu, trong ông, đó là những điều rất đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét