Bệnh hẹp van tim hai lá
Sử dụng thiết bị chụp mạch hiện đại phục vụ điều trị bệnh tim mạch ở Viện Tim mạch (Bạch Mai) Ảnh: H.Oai
|
Bệnh thấp tim thường gặp ở lứa tuổi từ 5 đến 15 tuổi. ở Việt Nam, thấp tim có thể gặp ở lứa tuổi nhỏ hơn và tiến triển nhanh hơn. Nếu không được điều trị kịp thời và đầy đủ, van hai lá ngày càng bị thương tổn nặng: lá van dầy lên, vôi hóa ở cả lá van và tổ chức dưới van, phải phẫu thuật thay bằng một van nhân tạo. Đây là một phẫu thuật phức tạp và tốn kém.
Khi bị hẹp van hai lá, máu từ nhĩ trái xuống thất trái bị cản trở, ứ lại ở phổi nên bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, khó thở khi gắng sức và thường phải ngồi để thở. Mức độ khó thở ngày càng tăng dần. Ngoài ra người bệnh có thể bị đau ngực, ho ra máu, dễ nhầm với bệnh lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện vì tai biến do cục máu đông hình thành trong tim bong ra, trôi lên não gây tai biến ở não (hôn mê hay liệt nửa người) và ở chi (gây thiếu máu chi, nếu không được điều trị kịp thời có thể phải cắt cụt chi).
Ngày nay, nhờ có siêu âm, đặc biệt siêu âm doppler màu, các thầy thuốc có thể thăm dò đầy đủ và hiệu quả bệnh hẹp van hai lá, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Với máy siêu âm trắng đen thông thường, bác sĩ cũng có thể bước đầu chẩn đoán được bệnh và gửi bệnh nhân đến các nhà chuyên khoa tim mạch để thăm dò đầy đủ hơn.
Bệnh hẹp van hai lá nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Để tránh các biến chứng do bệnh hẹp van hai lá gây ra, cần phải phòng ngừa và điều trị bệnh một cách đúng đắn và hiệu quả. Đặc biệt, phải chú ý phát hiện, điều trị kịp thời bệnh thấp tim ở trẻ nhỏ. Ngày nay, nhờ các tiến bộ trong y học, việc điều trị bệnh hẹp van hai lá đã đạt được những kết quả rất tốt, kể cả trong điều trị nội khoa hay trong ngoại khoa... Về điều trị nội khoa, phải phòng ngừa thấp tim đến năm 40 tuổi. Nhiều khuyến cáo cho rằng nên tiêm phòng ngừa thấp tim suốt đời, đặc biệt ở những người hay bị viêm họng. Phải phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn khi nhổ hay chữa răng cũng như khi thực hiện thủ thuật ngoại khoa. Khi có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt mỏi, phù hay ho ra máu... cần phải đến ngay bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tim mạch để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Về điều trị bằng phẫu thuật với bệnh hẹp van hai lá, có thể tiến hành mổ tim kín để mở rộng lỗ van bị hẹp (tách van) bằng ngón tay hay bằng dụng cụ. Ngày nay, nhờ tiến bộ trong ngành tim mạch học can thiệp, người ta sử dụng phương pháp nong (tách van) bằng bóng qua da mà không cần phải mổ. Tuy vậy, việc nong van bằng mổ hay bằng bóng đều có chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Khi van hai lá bị thương tổn nặng không thể nong được, phải tiến hành thay van bằng một van nhân tạo. Đây là một phẫu thuật nặng, tốn kém và cần phải có một chế độ kiểm tra theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện và uống thuốc chống đông suốt đời với những bệnh nhân thay van cơ học.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Mão
Bóng inoue - Giải pháp hiệu quả cho bệnh nhân hẹp van tim
Cùng với những bệnh lý tim mạch phức tạp khác, bệnh hẹp van tim đang là mối đe dọa sức khỏe cho nhiều người bệnh ở nước ta. Một biện pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đó là can thiệp hẹp van tim bằng dùng bóng inoue (xem ảnh) qua tĩnh mạch đùi. Phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Mạnh Hùng- Trưởng phòng Tim mạch can thiệp - Viện Tim mạch Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu nước ta về lĩnh vực này.
PV: Thưa TS, hẹp van tim có phải là một bệnh lý nguy hiểm với tần số mắc lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt? Tại sao lại có tình trạng này?
TS. Phạm Mạnh Hùng.
|
Hẹp van hai lá chủ yếu do hậu quả của thấp tim gây nên. Thủ phạm dẫn đến thấp tim là nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Liên cầu khuẩn này thường gây các triệu chứng như viêm họng, viêm khớp. Người ta ước tính có tới 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị nhiễm liên cầu khuẩn beta, trong đó biến chứng sang thấp tim là 3-5%. Ở các nước phương Tây bệnh này rất hiếm gặp. Điều đáng nói là trong số các bệnh nhân hẹp van hai lá, chỉ có 30% bệnh nhân có tiền sử thấp tim rõ ràng, số còn lại chỉ là từng có biểu hiện thoáng qua như từng có sốt, viêm họng, mỏi khớp... Van hai lá và van động mạch chủ dễ bị tổn thương nhất bởi thấp tim.
PV: Nếu không được điều trị, hẹp van hai lá sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm nào, thưa TS?
TS. Phạm Mạnh Hùng: Hẹp van hai lá gây cản trở dòng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái và từ đó dẫn đến những hậu quả về rối loạn cản trở huyết động. Bệnh hẹp van hai lá có nhiều biến chứng nguy hiểm như: phù phổi cấp, suy tim nặng, tắc mạch, rối loạn nhịp, suy tim mạn... Ở giai đoạn đầu mới bị hẹp, bệnh nhân chỉ thấy khó thở khi gắng sức nhưng ở giai đoạn sau thì tình trạng này ngày một trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân bị hẹp van hai lá nhưng triệu chứng ban đầu khá kín đáo và khi có biến chứng rồi mới biết mình bị hẹp van tim như khi đã bị liệt (do tai biến tắc mạch não), ho ra máu (dễ nhầm lẫn với các bệnh về phổi)... Nếu hẹp van hai lá xảy ra từ khi trẻ còn nhỏ thì đó là tình trạng còi cọc, chậm phát triển. Đối với những sản phụ bị hẹp van hai lá bệnh đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai và đặc biệt khi sinh nở nếu không được điều trị và kiểm soát bệnh tốt.
PV: Sự phát triển của kỹ thuật can thiệp nong van hai lá bằng bóng inoue đã thay đổi mạnh mẽ hiệu quả điều trị bệnh hẹp van tim, TS có thể nói rõ về biện pháp điều trị tiên tiến này?
TS. Phạm Mạnh Hùng: Khi chưa có kỹ thuật can thiệp bằng bóng nong inoue thì biện pháp điều trị chủ yếu cho hẹp van hai lá là dùng thuốc và phẫu thuật. Chỉ định dùng thuốc chỉ mang tính chất tạm thời, trong những trường hợp hẹp khít cần phải tiến hành phẫu thuật tách van hoặc thay van. Quá trình phẫu thuật, dù là phẫu thuật tim kín hay tuần hoàn ngoài cơ thể thì vẫn chứa đựng nguy cơ xảy ra cho bệnh nhân, như ảnh hưởng quá trình gây mê, biến chứng, viêm nhiễm, thời gian điều trị lâu ngày, vết sẹo trên ngực, tâm lý bệnh nhân và có thể cả vấn đề chi phí... Với kỹ thuật dùng bóng nong inoue, chỉ với một vết chích nhỏ (vài milimet) ở tĩnh mạch đùi, bóng nong được đưa vào qua vị trí van bị hẹp, bơm căng bóng làm hai mép van tim bị dính do thấp tim được tách ra và lỗ van được tách rộng ra, giải quyết hiệu quả những rối loạn tuần hoàn mà hẹp van tim gây ra. Quá trình làm thủ thuật diễn ra trong khoảng 30 phút, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không phải gây mê, có thể ra viện vào ngày hôm sau.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là điều trị cho bệnh nhân bị hẹp hai lá mà bị suy tim nặng (không thể phẫu thuật được); phụ nữ có thai; trẻ em bị hẹp van hai lá; bệnh nhân bị hẹp van tim có kèm theo các biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống...
PV: Bên cạnh kỹ thuật nong van tim bằng bóng inoue, những phương pháp can thiệp qua da điều trị bệnh van tim đang có những tiến bộ gì?
TS. Phạm Mạnh Hùng: Biện pháp nong van bằng bóng (inoue hoặc bóng khác) qua da còn được ứng dụng điều trị các bệnh hẹp van tim khác do bẩm sinh hoặc mắc phải như hẹp van động mạch phổi, hẹp van động chủ, hẹp van ba lá...
Thời gian gần đây, ở Mỹ, châu Âu, người ta đã bắt đầu dùng các biện pháp can thiệp qua đường ống thông để thay van tim nhân tạo cho những trường hợp van động mạch chủ bị thoái hoá, mang lại kết quả ban đầu hứa hẹn. Kỹ thuật sửa van hai lá qua da cũng đang được tiến hành, đó là với ống thông đưa vào từ tĩnh mạch đùi, người ta có thể làm hạn chế mức độ hở van tim bằng một cái kẹp nhỏ để biến lỗ van thành thành hình số 8 hoặc có thể luồn dụng cụ qua xoang tĩnh mạch vành để thít nhỏ bớt vòng van lại.
Mặc dù hiệu quả của bóng nong inoue mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh bị hẹp van hai lá nhưng vấn đề phòng bệnh thấp tim vẫn là điểm mấu chốt. Những bệnh nhân còn trẻ (dưới 40 tuổi) bị hẹp van hai lá được nong van, cần dùng thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ, tiếp tục tiêm phòng thấp tim bằng tiêm penicilline chậm vì hẹp van tim do thấp vẫn có thể tái diễn sau nong.