Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Những đòn nghi binh lớn của Trung Quốc


Những đòn nghi binh lớn của Trung Quốc

Lê Mai
SDC14763Với cái nhìn từ lịch sử, cộng với sự quan sát những nước cờ liên tục của TQ trong thời gian gần đây, nổi lên một vấn đề mà VN không thể không dè chừng, đó là TQ đang chơi những đòn nghi binh lớn.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử tư tưởng mấy ngàn năm của TQ nằm ở hai chữ “che dấu”. Khác với sự cởi mở của người phương Tây, người TQ luôn tìm cách che dấu suy nghĩ của mình, che dấu việc làm của mình, che dấu ý đồ của mình, tức là nói một đằng, làm một nẻo.
Nghi binh là gì? Nghi binh là “giương Đông, kích Tây”, đánh lạc hướng đối phương, đánh lừa đối phương. Nghi binh là che dấu ý đồ thực sự của mình, ru ngủ đối phương bằng những động tác giả, để rồi sau đó tung ra một cú đánh quyết định hòng giành thắng lợi. Thông thường, hoạt động nghi binh diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực quân sự nhưng đối với TQ, có lẽ không một lĩnh vực nào mà họ không thực hiện chiến thuật ấy – thậm chí, kể cả lĩnh vực hình thái ý thức.
Quả có vậy! TQ nói TQ và VN kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chẳng phải TQ sử dụng công thức “một nước – hai chế độ” để thu hồi Hồng Kông đó sao? Như thế, “chế độ” đâu phải là cái họ đặt lên hàng đầu? Nếu thiếu sự sáng suốt, rất dễ mắc mưu họ. Cho nên, xét cho cùng, “một nước – hai chế độ” là một đòn nghi binh lớn. TQ cho rằng, TQ có thể chung sống với mọi nước trên thế giới có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, thế thì tại sao không thể sống chung với Hồng Kông – dù chế độ xã hội khác nhau? Sáng tạo “thiên tài” đó của Đặng đã đưa Hồng Kông trở về TQ. Ở đây, điều quan trọng nhất là chừng nào Hồng Kông trở về TQ, chừng đó TQ có quyền đóng quân đội tại đó. Đây là điều mà Đặng kiên quyết đòi bằng được khi đàm phán với “Bà đầm thép” Thatcher. Đặng lập luận, không có quyền đóng quân tại đó thì còn gì là chủ quyền của TQ? Nếu xẩy ra động loạn lớn thì làm thế nào? Như vậy, đòi quyền đóng quân (tại Hồng Kông) mới là thực, là cốt lõi của “một nước – hai chế độ”, cái khác chỉ là nghi binh. Một khi quân đội đã đóng tại Hồng Kông thì TQ hoàn toàn sẽ khống chế được cục diện. Cho nên, Đặng đã vô cùng tức giận và công khai bác bỏ phát biểu của Cảnh Tiêu khi ông này cho rằng trong tương lai TQ không đóng quân tại Hồng Kông. Tuy nhiên, rủi thay (cho TQ), công thức “một nước – hai chế độ” cho đến nay không sao áp dụng thành công đối với trường hợp Đài Loan.
Phải công nhận, TQ là bậc thầy trong những đòn nghi binh lớn. Nhớ lại thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thế kỷ trước, mâu thuẫn Trung – Xô ngày càng tăng cao và có thể nổ ra chiến tranh lớn bất cứ lúc nào. Nhận được tin mật LX đang chuẩn bị đánh đòn hạt nhân hạn chế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của TQ đúng ngày Quốc khánh, Chu Ân Lai rất lo lắng, lập tức đến Trung Nam Hải gặp Mao Trạch Đông.
- Thưa Chủ tịch, có Thủ tướng đến, đang chờ Chủ tịch ở phòng khách. Giọng nói của một nhân viên công tác cắt ngang dòng suy tư của Mao.
- Ân Lai, ngồi xuống ta nói chuyện. Giọng Mao hồ hởi.
- Thưa Chủ tịch, báo cáo khẩn cấp Chủ tịch đã xem chưa?
- Ờ, xem rồi, cũng vẫn chuyện có thể có chiến tranh hạt nhân thôi mà. Bom nguyên tử lợi hại thật, nhưng kẻ hèn này không sợ. Mao nở nụ cười dửng dưng.
- Thưa Chủ tịch, khả năng LX đánh lén nhân ngày Quốc khánh của ta rất lớn. Ý của tôi, ta có nên nghiên cứu lại cách tổ chức mít tinh quần chúng năm nay?
- Ờ! Không tổ chức mít tinh, tôi thấy không hay lắm! Làm như vậy chẳng phải là bảo với người ta rằng, chúng tôi cũng “hốt”? Mít tinh vẫn phải làm, tôi vẫn phải có mặt ở Thiên An Môn. Với lại tôi cũng muốn mở to mắt, xem xem uy lực của bom nguyên tử rút cục lớn đến chừng nào?
Những câu hỏi dồn dập đến trong đầu Chu. Mấy chục vạn con người tập trung ở quảng trường, có chuyện gì xảy ra, sơ tán thế nào, ẩn nấp ra sao? Mao và các vị lãnh đạo khác trên lầu Thiên An Môn làm thế nào kịp an toàn rút xuống đường hầm? Năm phút, bốn phút hay ba phút sau khi có báo động? Kế sách nào vẹn toàn nhất đây?
Thế nhưng, Mao lại cười cười, bàn thêm:
- Nếu thực sự không yên tâm, xem xem có thể cho nổ thử hai quả bom nguyên tử để doạ họ? Để họ cũng rối rít lên vài ba ngày, chờ mọi việc sáng tỏ thì Quốc khánh của ta cũng xong rồi.
Cho nên, ra quân trước tiên đánh bằng mưu, sau đó đánh bằng ngoại giao, sau nữa đánh bằng quân đội, cuối cùng mới đánh thành. Mao kết luận.
Với đòn nghi binh quỷ quyệt đó, Mao và Chu đã làm phá sản kế hoạch tấn công của LX. Cho nên, chúng ta đừng quên những đòn nghi binh lớn của TQ. Trong cuộc chiến biên giới năm 1979, TQ đã thực hiện nghi binh chiến lược làm cho VN không tin là TQ sẽ đánh VN. Và thực tế là VN đã bị bất ngờ lớn vào thời điểm bị TQ tấn công – ngày 17.2.1979.
Chiến lược “thu mình dấu tài” của Đặng cũng là một đòn nghi binh lớn vậy. Đặng nói rõ, “che dấu thành tích, giữ vững trận địa, thu mình dấu tài, làm nên công tích”. Thậm chí, bấy giờ TQ không cần phải giữ thể diện, cốt để được việc mình đã. Che dấu tài năng của mình, đợi đến thời điểm thích hợp, đột ngột bung ra, chiến lược “thu mình dấu tài” đã tỏ ra thành công, làm thế giới sửng sốt và bắt đầu lo ngại.
Cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ lại là một đòn nghi binh lớn khác. Có người hỏi, TQ xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu gì mà vừa bắt chước y như tư bản, lại vừa khác rất xa? Trả lời, đó thứ chủ nghĩa xã hội “đặc sắc” TQ. Như vậy, mọi thứ TQ đều có thể giải thích, chỉ cần gán cho hai chữ “đặc sắc” là xong. Quả là họ rất khôn ngoan, nói như vậy là không bị ràng buộc gì. Một sự “nghi binh lớn” – nói vậy mà không phải vậy. Nó khác với VN, xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một cách nói cách cứng nhắc, tự mình ràng buộc mình, không còn chỗ để xoay trở, vì cái “định hướng” ấy.
Đến đây chúng ta tự hỏi, vậy TQ nói TQ và VN cùng kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội, rằng VN và TQ “văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” liệu có còn đáng tin? Hay chỉ là một đòn nghi binh lớn?
Và “16 chữ vàng”, tinh thần “bốn tốt” là nghi binh, còn ru ngủ, dẫn đắt VN vào mê cung của mình mới là thực? Làm VN suy yếu toàn diện, phụ thuộc hoàn toàn vào TQ, tiến đến thôn tính VN mới là thực, còn hợp tác, giúp đỡ VN chỉ là nghi binh?
Hộ chiếu “lưỡi bò” là một bước đi có thực, còn làm ra vẻ đàm phán về COC (Quy tắc ứng xử trên biển Đông) là nghi binh; kỷ niệm Quốc khánh TQ ngày 1.10 là thực, còn tổ chức kỷ niệm tại Hoàng Sa của VN là nghi binh – đặt VN vào tình huống khó xử vì đã gửi điện chúc mừng; chiếm trọn Hoàng Sa của VN là thực, còn đang giữ nguyên trạng Trường Sa là nghi binh – TQ có thể chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào; “gác tranh chấp” là nghi binh, còn cấp tốc khai thác biển Đông mới là thực; khuyên VN coi trọng đại cục là nghi binh, còn dập tắt mọi tiếng nói yêu nước của người VN phản đối hành động ngang ngược của TQ mới là thực.
Những đòn nghi binh lớn hiện này của TQ kết hợp một cách chặt chẽ giữa chính trị và kinh tế, giữa lịch sử và hiện thực, giữa trên biển và đất liền, giữa quân sự và dân sự, giữa trên và dưới. Đặc điểm nổi bật của nó là “hư hư thực thực” hòng đánh lừa VN và thế giới.
Song, một khi lẽ phải không thuộc về TQ thì sự thất bại của những đòn nghi binh lớn ấy là tất yếu. Tuy nhiên, trong một tương lai có thể thấy trước, còn rất nhiều những đòn nghi binh lớn của TQ đang chờ VN. Vấn đề là phải nhận ra nó và sự sáng suốt là điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng.

Chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn


Chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn

Alan Phan
ts-alan-phan-so-tien-nam-trong-dan-du-de-kich-cau-0Khi không biết đích đến là đâu, thì con đường nào cũng đều đến đích.
Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu.Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự đoán…ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân không có trẩy lộc mai đào…và báo Xuân không có dự đoán.
Các năm trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.
Quá dễ để tiên đoán
Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM (tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ trong một thời gian dài).
67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong bong BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo. Không thể có kết luận nào khác.
Trong khi đó, nguồn vốn thực của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các chủ ngân hàng, vì “quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án….Ngày mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo tử.
Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.
Lạm phát, lãi suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải “lên đồng” và mọi người thi nhau ca múa.
Thị trường là một thế lực cứng đầu
Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm (tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.
Tôi kể lại chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói). Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể luận giải được điều này.
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.
Định hướng nào đây, bác Mao ơi?
Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF..) đem chiếc xe câu tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ) dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là “không gì là miễn phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc chức quyền của mọi người trong phe nhóm . Chúng ta cũng có thể về nhà, bắt mẹ đĩ phải lấy “vàng” hay “đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa đầm lầy như Bắc Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không chuyên gia kinh tế nào có thể…dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là …kinh tế, mà là chánh trị. Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5, 10 người sẽ “đóng cửa bảo nhau”.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

NÊN LÀM GÌ Ở NHỮNG NĂM CÒN LẠI CUỐI ĐỜI


NÊN LÀM GÌ Ở NHỮNG NĂM CÒN LẠI CUỐI ĐỜI -PhamvietDao Blog



Bài viết của một tác giả không nhớ rõ tên, có một nội dung quá thâm thuý, dành cho những ai trong tuổi Cao Niên nếu muốn có một đời sống hạnh phúc trong những ngày còn lại trên trần gian này, trước khi thân xác trở về cát bụi thì nên suy luận những điều được nêu ra trong bài viết này.

Những năm còn lại trong cuộc đời ...
Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong khuôn viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già !
Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc vì qua một ngày, chúng ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, chúng ta vui một ngày. Vui một ngày…rồi không biết được bao nhiêu ngày nửa. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt xãy ra trong đời sống.

Hạnh phúc là những gì hiện đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng taNhà nho Nguyễn Công Trứ quan niệm “ Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”…

Tiền rất quan trọng trong đời sống của con người nhưng tiền không phải là tất cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền và cũng đừng lệ thuộc vào đồng tiền, mặc dù biết rằng nếu không có tiền thi làm sao chúng ta sống, làm sao để được thoải mái.

Ta vẫn biết khi ta ra đời ,ta đâu có mang nó đến và khi ra đi, chúng ta cũng không mang nó theo.
Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình.
Đồng tiền giúp chúng ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống.
Quảng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú .
Những gì cần ăn thì cứ ăn, cần mặc thì cứ mua sắm, muốn đi du lịch thì cứ đi. Tập cho mình có nhiều đam mê, tự tìm niềm vui cho chính mình.

Vào trong internet để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin hay, một chuyện vui, một bản nhạc, đọc những bài viết có giá trị, hay “chat” với người quen biết. Chúng ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt. Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rổi đi làm những việc từ thiện xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ,… lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già.
Hơn nửa đời, chúng ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẽ. Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cử thì không đủ chất bổ dưởng, quá nhàn rổi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu…


Cuộc sống tuổi già thật đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gở bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nửa.
Một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chổ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghỉ là: “ Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nửa”. Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng.
Người già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.
Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghỉ đến đồng tiền, đừng nghỉ đến giàu hay nghèo nửa và cũng đừng than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại sao bây giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền.

Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẩu của chúng ta.
 Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc chúng ta để lại cho người khác xài. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già. 

Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.
Cuối tuần, hẹn nhau với người bạn đi câu cá, hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và cũng để cho tâm tư lắng đọng, tinh thần thanh thản. Đó là những niềm vui trong cuộc sống cuả tuổi già.
Tứ khoái của tuổi già là: Ăn, ngủ, thể dục và du lịch.

Ăn được ngủ được là Tiên. Ăn và ngủ đi đôi với nhau. Người lớn tuổi có nhiều thì giờ nghỉ ngơi, cần có chế độ ăn uống bổ dưởng, cung cấp đủ calories cho cơ thể. Sự luyện tập thể dục là thỏi nam châm của cuộc sống và là kim chỉ nam của tuổi thọ. Đi du lịch để cho cuộc đời thoải mái, trí óc thanh thản và vui sống.

Khi về già, chúng ta thường hay sống về quá khứ, hay nhớ lại chuyện xưa. Sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói, xa vời.
 Hẹn nhau trong những buổi họp mặt để ta có nhiều người bạn tâm tình, kể lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ…vui cười thích thú.
Vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau, luôn luôn yêu thương người bạn đời, gắn bó với nửa kia của mình, là điều mà chúng ta mong ước. Đưa các cháu đi học, đi ăn, chơi đùa với các cháu… là thú vui của tuổi già. Ta phải làm thế nào tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Nụ cười là liều thuốc bổ quí nhất.
Chúng ta cần tránh đi những sự cải vã, tranh dành hơn thua từng lời nói hoặc những tranh chấp vô ích với bất cứ ai.

Chính những lúc cải vã, giận dữ đó đã đánh mất đi những niềm vui trong cuộc sống, không thích hợp trong tuổi chúng ta, nhất là những người đang đau yếu. Chúng ta phải đối diện với bệnh tật một cách lạc quan, tự tin, đừng quá lo âu. Khi đã làm hết khả năng theo tầm tay, sẽ có thể ra đi mà không hối tiếc. Hãy để Bác Sĩ chăm sóc, luôn luôn giử bình an trong tâm hồn.

Chúng ta có thể nói là mình có hạnh phúc thật sự khi có sức khỏe tốt, chịu đi tập thể dục, có cơ hội du lịch thường xuyên, ngủ ngon, ăn uống ít kiêng cử khi vào tuổi hoàng hôn.

Thiên đàng không phải đi tìm đâu cho xa mà thiên đàng do ta dựng lên và chui vào đó mà hưởng hạnh phúc. Sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghiã của nó làm cho cuộc sống vui hơn, giầu ý nghiã hơn.

Hoàn toàn khoẻ mạnh, đó là thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh…Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; 
Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung.

Người thích làm điều thiện sẽ sống lâu. Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai, bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị cuả mình đó là cách sống lành mạnh.

SINH, LÃO, BỆNH, TỬ là qui luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng, không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng cuộc đời của một người cũng chỉ là con số không to lớn. 

 

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Sáu mươi câu thành ngữ(St trên Facebook)

SÁU MƯƠI CÂU THÀNH NGỮ

1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nổi.

3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.

4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.

5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.

8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.

9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.

10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.

11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.

12. Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.

13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.

14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “ đa khẩu hạ lưu tình”.

16.Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?

17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.

18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận.

19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?

20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.

21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.

22.Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?

23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.

24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt.

25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại.

26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.

27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.

28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.

29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.

30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.

31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.

32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.

33. Người không tắm sửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.

34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.

35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ.

36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.

37. Nói một lời dối dang thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?

38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.

39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.

40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.

41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.

42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.

43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “ tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.

44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.

45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.

46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nỗi lương tâm mình.

47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.

48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?

49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.

50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.

51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.

52. Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cáng của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.

53. Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.

54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.

55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.

56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.

57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.

58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.

59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.

60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.

61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.

62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.

63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.

64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.

65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.







Thất thập cổ lai hy.Hihi



  • thất thập cổ lai hy"
    Ngô Phan Lưu --St trên facebook

    Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !
    Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”.
    Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!
    Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift:
    “Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”.
    Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…
    Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu:
    “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”.
    Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừ nhỉ! Lạ thật! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!
    Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư:
    “Lưỡi dài thu ngắn đời sống”.
    Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!
    Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam:
    “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”.
    Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thưc hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!
    Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes:
    “Ăn to thì di chúc nhỏ”.
    Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert:
    “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo”.
    Trời đất ! Lại cũng quá đúng! Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng ! Say quá, có khi rớt tới ba thằng!
    Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết!…

    Trần Gian Một Khúc
    Con người ta sinh ra, ai thoát khỏi: sinh, lão, bệnh, tử?
    Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định luật của tạo hóa, không có cách chi thay đổi được.
    Cây cối đâm chồi nảy lộc vào muà xuân, xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, đến mùa đông thì lá vàng rơi rụng, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.
    Ðời người là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường.. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ, lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới làm ra được..
    Ðời người như giấc mộng. Người ngoại quốc cũng có câu: Life is too short. (cuộc đời quá ngắn) Thế mà, con người ta khi còn sức khỏe thì mải mê kiếm tiền, lo củng cố địa vị, danh vọng, không có thì giờ để hưởng đời đúng nghĩa.
    Cũng ít ai sửa soạn tâm tư để đón nhận những cái vô thường của tuổi gìa. Ðến khi mái tóc đã điểm sương, da đã nhăn, mắt đã mờ, chân đã chậm thì mới giật mình, rồi buồn phiền, thất vọng, nuối tiếc. Khi đó, bao nhiêu tiền của cũng trở thành vô dụng. Ăn uống thì phải kiêng thứ này, cữ thứ kia vì đường lên cao, cholesterol lên cao. Ăn đồ cứng không được vì hàm răng cái rụng, cái lung lay. Ði chơi xa thì không dám, vì sức khỏe kém, đầu gối đau nhức. Nghe nhạc, xem phim cũng không được vì tai đã nghễng ngãng, mắt đã kèm nhèm.
    Người VN mình vốn cần kiệm, chăm làm, chắt bóp để có của ăn của để. Làm việc thì liên miên quên cả cuối tuần, bất kể ngày lễ hay ngày Tết. Làm thì nhiều, mà ít dám vui chơi huởng thụ như người Âu Mỹ..
    Suốt đời cặm cụi, nhịn ăn nhịn mặc, để dành, mua cái nhà cái cửa để một mai khi chết thì để lại cho con cháu. Sống như vậy quả là thiệt thòi.
    Người xưa đã nói:
    Một năm được mấy tháng xuân
    Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa
    Và:
    Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
    Bo bo giữ lấy của trời làm chi
    Bẩy mươi chống gậy ra đi
    Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi
    Con người có tham vọng, có nhu cầu nên mới bon chen. Suốt đời cứ miệt mài lo tìm kiếm những thứ vô thường mà quên mất chữ “nhàn”. Những thứ vô thường này là nguyên nhân đưa đến lo âu, căng thẳng, mất ăn, mất ngủ. Và nếu kéo dài có thể đưa đến Strock, bệnh tâm thần.
    Ông Cả ngồi trên sập vàng
    Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo
    Ông bếp ngồi cạnh đống tro
    Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm
    Ðời người sống mấy gang tay
    Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm
    Hoặc là
    Ăn con cáy, đêm ngáy o..o
    Còn hơn ăn con bò, mà lo mất ngủ.
    Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy mới có câu:
    “nhân sinh thất thập cổ lai hy" (tức là, người ta có mấy ai mà sống được tới 70).
    Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ. Con người được sống trong điều kiện vật chất vệ sinh, và thoải mái hơn.
    Những phát minh của ngành Y, Dược đã giúp nhân loại vượt qua được các bệnh hiểm nghèo, mà người xưa kêu là bệnh nan y như bệnh lao, bệnh phong cùi, bệnh suyễn. Ngày nay người ta sống tới 80, 90 tuổi không phải là ít. Tuy nhiên sống lâu chưa phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, biết tận hưởng cuộc sống. Muốn vậy thì cần phải giữ cho thân tâm được an lạc.
    Tâm thân an lạc là biết vui với những cái trong tầm tay của mình, chấp nhận những điều mình không thể nào tránh khỏi. Sống hòa hợp vui vẻ với mọi người xung quanh, không chấp nhất, tỵ hiềm. Lớn tuổi thì không làm ra tiền, nhưng cũng may, ở những nước tân tiến đều có khoản tiền trợ cấp cho người gìà để có thể tự lực mà không cần nhờ cậy vào con cháu. Các cụ gìà nên mừng vì sang được xứ này, thay vì ấm ức với số tiền quá khiêm nhượng, không thể tiêu pha rộng rãi như bạn bè.
    Già thì phải chịu đau nhức, mắt mờ, chân chậm, đừng nên than thân trách phận, cau có, gắt gỏng, đã không làm được gì hơn mà còn tạo sự áy náy, thương cảm cho những người xung quanh.
    Ở đời mỗi người một cảnh, vui với cảnh của mình, không suy bì, thèm muốn, ganh ghét với những người xung quanh.
    Biết đủ thì đủ (Tri túc, tiện túc).
    Người ta bảo trên 60 tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm (bonus_jackpot) của Thượng Đế_nếu đi kéo máy slotmachine....dzui hết biết đi !!
    Vậy thì hãy nên vui vẻ, tận hưởng những ân sủng mà không phải ai cũng có được :
    Ðời sống của mình vui tươi hay buồn

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

SINGAPORE LÀ MỘT NƯỚC LỚN


SINGAPORE LÀ MỘT NƯỚC LỚN



 TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng hiện giờ đang thăm nước Singapore. Chưa biết chuyến đi này có "đầu xuôi, duôi lọt" hay không, chứ lại tái diễn như chuyến thăm Brazin cách đây dộ vài thang thì ê mặt đảng của ổng ấy lắm. Blog Bà đầm xòa cách đây độ mươi ngày có đăng bài viết nóng về Singapore của nhà báo Lê Phú Khải nhân chuyến thăm Singapore của ông. Nước này dân số ( hơn 5. triệu người) chỉ  bằng 1/19 dân số Việt Nam, tài nguyên thì không có gì để so sánh, ấy mà nhà báo Lê Phú Khải buộc phải ghi nhận "Singapore là một nước lớn"



Nói chuyện với nước lớn, hãy cẩn trọng nghe ông Trọng.

Tôi tin, nêu ông Trọng mà đọc bài của nhà báo Lê Phú Khải, nhất định ông sẽ có thêm hiểu biết về nước này để câu chuyện trao đi đổi lại thêm tự tin và tránh mắc cỡ.



 Nhà báo già Lê Phú Khải vừa đi thăm Singapre về liền ghi ngay những gì đã thấy, đã ngộ về đất nước này ở những nơi mà ông đã đến. Ở tuổi 70 mà sự quan sát, tốc ký của ông vẫn còn thể hiện một sung lực dồi dào. BĐX vội post lên mạng ngay những dòng con nóng hổi này, mong bạn đọc cùng chia sẻ. BĐX
                                                                                       
Ngày 19/8/2012 một con nai bị ô-tô kẹp chết trên đường, hôm sau các báo ở Singapore đều đăng trên trang nhất tin này.
           
Một  người bản xứ nói với tôi, ở  Singapore không có gì để báo chí nói cả, không có tham nhũng, đánh lộn trên đường phố, không có ai vứt rác ra đường, không có nạn kẹt xe…. nên cái tin con nai bị xe kẹp là dịp để báo chí thi nhau đăng tải, bình luận, phân tích vv…vv
           
Xin nhớ rằng, Singapore có một hệ thống giao thông công chính được thừa nhận là tốt nhất, hoàn hảo nhất thế giới. Các biển báo trên đường phố đều cho phép xe chạy đến 90km một giờ

Nếu có ai hỏi tôi, cái gì ở Singapore gây cho ông ấn tượng mạnh nhất? Xin thưa, không phải là những ngôi nhà cao tầng san sát, hệ thống giao thông hoàn hảo, mức thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới, tìm cả ngày không thấy một cọng rác trên đường phố vv…vv  Mà đó là, những bầy chim sáo sà xuống mặt đường cao tốc, nhảy nhót trên những thảm cỏ xanh có ở bất cứ chổ nào có đất trống trên hè phố, là những chú chim sáo đậu trên thành ban- công những ngôi biệt thự nhỏ…giá tới 9-10 triệu đô-la…! Tôi đã chụp được tất cả các chú sáo sậu đó, đậu ở các vị trí kể trên, ở ban-công, ở bãi cỏ, ở mặt đường cao tốc…bằng ống kính tê-lê của mình. Đó là những tấm ảnh tôi thích nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Ngày nhỏ, tôi đã từng nuôi được một con sáo, nó có thể đậu trên vai tôi để đi chơi trên hè phố Hà Nội. Nhưng đó là con sáo phải mua ở chợ chim, phải nuôi nó công phu và hằng ngày phải đuổi bắt châu chấu đến xám mặt xám mày cho nó ăn! Trông thấy bầy sáo là tôi nhớ lại tuổi thơ tươi đẹp của mình (Mà tuổi thơ của ai chẳng tươi đẹp!)


Nhưng gặp sáo liên tục ở giữa một quốc -gia-thành-phố là Singapore thì thật là điều bất ngờ và thú vị đặc biệt. Vị giáo sư cùng đi với tôi cho tôi hay, có ba loài là quạ, cà-cuống và sáo rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu. Chim sáo và quạ có mặt ở đây chứng tỏ môi trường rất tốt. Tôi cứ tạm tin ông giáo sư thông minh và hay bắt bẻ người đối thoại với mình về điều đó. Nhưng sáo, quạ, và cà cuống ở đâu ra mà có? Nó phải ở rừng chứ? Điều đáng khâm phục các nhà quy hoạch sở tại là ở chổ này; 697,25km2 của Singapore, nói rõ hơn là nước Singapore có diện  tích 697,25 km2, tương đương với hơn 69.700 hecta, xấp xỉ diện tích huyện Cần Giờ của TP HCM nước ta. Từ năm 1960 nhiều đô thị mới được xây dựng ở vùng xa phía nam đã nối với phía bắc làm thành một quốc-gia-thành-phố Singapore. Nhưng các đô thị đó đều được xây dựng xen kẻ các khu rừng nguyên sinh được giữ lại, để bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn môi sinh cho con người. Những con nai bị kẹp xe, những đàn sáo mà tôi kể ở trên cư ngụ trong những khu rừng nguyên sinh đó. Con người không lấn hết môi sinh của chúng. Nếu khu rừng Boulogne kề bên Pari được giữ lại thì là chuyện bình thường. Nhưng một nước chỉ có diện tích xấp xỉ huyện Cần Giờ mà nhà cao tầng, vila, biệt thự chung sống với rừng nguyên sinh là điều đáng khâm phục. Nghĩ đến TP Hồ Chí Minh nước ta mịt mù khói bụi mà cái công viên Gia Định đã bao lần bị người ta định làm thịt thì buồn đến tê tái cả cõi lòng!
          
Cái tên Singapore xuất phát từ tiếng Mã lai vốn có nguồn gốc chữ  Phạn là Singa (con Sư tử). Pura có nghĩa là thành phố. Từ đó hình thành cái tên Singapore – Thành phố Sư tử. Theo truyền thuyết thì một vị hoàng tử có tên là Sang Nila Vtama nhìn thấy con sư tử đầu tiên trên đảo và đặt tên cho nó là thành phố Sư tử. Theo sử sách thì hòn đảo này có tên trong sách vở của người Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3. Nó vốn là một làng cá  của Mã lai khi bị thực dân Anh chiếm từ thế kỷ 19. Singapore trở thành một nhà nước tự chủ từ năm 1959 với người đứng đầu nhà nước là ngài Yusof bin Ishak và Thủ tướng đầu tiên là ông Lý Quang Diệu. Sau đó, theo trưng cầu dân ý, Singapore sát nhập vào Malaixia năm 1962 và trở thành một bang của liên bang Malaixia. Sau những bất đồng chính trị của chính phủ Singapore với Hội đồng liên bang Kuala Lumpur, Singapore bị tách ra vào ngày 7/8/1965. Singapore tuyên bố độc lập ngày 9/8/1965 và ngày nay trở thành Quốc khánh của “Thành phố Sư tử”  Singapore.
         
Bị tách ra khỏi liên bang, Singapore đứng trước những khó khăn khôn lường: Thất nghiệp, lạm phát, thiếu nhà ở, thiếu đất đai và tài nguyên… Ngay thời điểm mà tôi đang dạo gót ở Singapore lúc này thì, nước ngọt chỉ đủ 50% cho nhu cầu đất nước nhờ mưa trời được tích trong các hồ chứa, 50% phải “nhập” từ nước khác. Điện phải đi mua. Đến quân đội cũng phải thuê đất tận Úc, Mỹ, Pháp… để lập căn cứ quân sự. Khi hữu sự, máy bay sẽ bay về chiến đấu…
         
Nhờ hỗ trợ của Hoa kỳ  và đồng minh, trong nhiệm kỳ của mình (1959-1990) ông Lý Quang Diệu đã từng bước kiềm chế được thất nghiệp, lạm phát, tăng mức sống cho dân và thực hiện một chương trình nhà ở rộng lớn. Xuất phát từ thực tế của đất nước, những người lãnh đạo đã đề ra một chiến lược phát triển hợp lý, thông minh và sáng tạo. Kinh tế chủ yếu dựa vào buôn bán dịch vụ (40% thu nhập quốc dân). Đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Từ một nước đang phát triển đến cuối thế kỷ 20, Singapore đã trở thành một nước phát triển. Kinh tế Singapore hiện nay là kinh tế cảng biển, là công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu, lọc dầu, chế biến và lấp ráp máy móc tinh vi. Singapore hiện nay là nước đứng hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á (cung cấp dầu, lương thực, nước ngọt… cho tàu bè quốc tế). Tham vọng của Singapore là đến năm 2018, nước này là một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á. Một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm trong kinh doanh.
          
Chính phủ Singapore là một chính phủ rất biết lắng nghe dân qua hệ thống báo chí truyền thông. Một phụ nữ bản địa kể với tôi rằng, khi khu phố có nhiều phụ nữ hành nghề mại dâm  “phát triển” sang các khu lân cận, báo chí lên tiếng…thì chỉ sáng hôm sau đã được cảnh sát “đẩy lùi” về chổ cũ(!) Khi người dân có ý mong muốn được thấy tất cả các loài cây cối có trên thế giới thì chính phủ đã chi ngân sách 1,5 tỷ đô-la để xây dựng công viên có tên là “công viên trên vịnh”. Chúng tôi có may mắn được đến thăm công viên này khi nó vừa khánh thành chưa lâu. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cây bao-báp Châu Phi mà trước đó chỉ thấy trên sách, trong phim ảnh. Vị giáo sư đi cùng tôi đã nhận ra các cây cỏ ở nước ta trong công viên này. Vài năm chính phủ rà soát lại ngân sách, thấy còn thừa thì chia đều cho toàn dân. Người dân Singapore rất tự hào về đất nước của mình. Những người gốc Hoa, gốc Mã lai, gốc Ấn Độ, Pakistan, Sri-lanka… đều thích được gọi mình là người “Sinh”. Tôi thấy nhiều nhà luôn treo quốc kỳ trước cửa để tỏ lòng tự hào về đất nước mình… Họ chấp hành luật pháp rất tự giác. Khi ngồi trên xe hơi, đến chổ đèn đỏ, người bạn trẻ đồng hương của tôi đã định cư ở Sinh chỉ tay về phía trước bảo : Thằng cha tài xế tắc-xi kia không cần tiền! Nói rồi anh bạn trẻ giải thích cho tôi rằng, tắc-xi ở Sinh được quy định chổ đỗ để lấy khách, anh chàng người Ấn kia thấy xe dừng, lao ra định lên xe…. nhưng bị từ chối! Suốt những ngày tôi ở Sinh, máy ảnh lăm lăm trong tay chỉ rình chụp một vị cảnh sát trong sắc phục của họ, nhưng không gặp một cảnh sát nào cả. Anh bạn trẻ của tôi giải thích rằng, camera gắn khắp nơi, chỉ cần xe để bẩn thôi thì đã bị ghi hình và phạt tiền trừ vào tài khoản. Hèn chi chạy được mấy ngày tôi đã thấy anh bạn trẻ của tôi đi rửa xe. Chiếc xe nào chạy trên đường cũng bóng lộn! Người dân định cư ở Sinh nếu được nhập quốc tịch Sinh thì ngày quốc khánh đầu tiên anh ta được mời đi xem duyệt binh và nếu có nhu cầu mua nhà thì được hổ trợ 30.000 đô-la Sinh, bằng một phần nhỏ giá 1 căn hộ (đô-la Sinh sấp xỉ đô-la Mỹ). Các nhà dân chủ vẫn xem Singapore là một nhà nước độc tài gia đình trị. Nhưng có lẽ cha con ông Lý Quang Diệu là các “minh quân” khác với các “bạo chúa” ở các chế độ độc tài khác nên đất nước vẫn phát triển!
           
Đứng trên tầng 18 một căn hộ chung cư nhìn ra biển, tôi thấy tàu quốc tế đến quá cảnh đậu như lá tre trên vụng biển, xe chạy dưới đường mài bánh trên lộ cao tốc tạo nên tiếng động ầm ầm át cả tiếng sóng biển… tôi nhận ra sức sống mãnh liệt của đất nước này. Và, nếu xét từ tầm cao trí tuệ của người lãnh đạo đất nước, tầm nhìn thời đại về bảo vệ thiên nhiên, trình độ dân trí của người bị lãnh đạo, thì theo tôi, Singapore là một nước lớn.Nói về chuyện lớn nhỏ, cao thấp, tôi xin phép kể câu chuyện sau đây. Ông De Gaulle của nước Pháp là người khi làm đến Tổng Thống rồi, vẫn thích người ta gọi mình là Tướng quân. Một hôm người sĩ quan tùy tùng muốn đo ông để đi may quần áo cho Tổng Thống. De Gaulle bảo: Cứ đo như quần áo của anh! Người tùy tùng nói: Thưa Tướng quân, tôi cao hơn ông. De Gaulle nghiêm nghị trả lời: - Anh chỉ dài hơn tôi mà thôi!
          
Vậy cứ theo cái logic của De Gaulle thì nước Tàu hiện nay chỉ rộng về diện tích, đông về dân số mà thôi. Nước Tàu không phải là một nước lớn. Càng không phải là một siêu cường như người ta ngộ nhận. Hiển nhiên là nước Singapore với diện tích bằng huyện Cần Giờ , dân có quốc tịch Singapore là 3,2 triệu, nhưng Singapore đâu có sợ gì Trung Quốc. Vì, họ đã “hợp tác toàn diện” với hoa Kỳ rồi. Nước này còn bạt đồi, lấy đất từ dưới biển, mua đất của nước khác để lấn biển. Năm 1960 họ có 581,5km2 mà đến nay có 697,25 km2. Dự kiến đến năm 2030 tăng diện tích lên 100 km2 nữa, tức 10.000 hecta, bằng 1/9 diện tích đất canh tác của tỉnh Tiền Giang. Vậy không phải là chí lớn của nước lớn đó sao? Không như VN ta, còn bán bán bớt đất, bán bớt biển của mình đi (!) Than ôi! Singapore còn là ân nhân của nhân dân VN vì nước này là một trong những nước đã đón nhận thuyền nhân VN sau năm 1975.
           
Nếu có điều gì làm tôi phải suy nghĩ, băn khoăn thì đó là vấn đề giáo dục của Singapore. Với tham vọng là thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu vài năm tới, nhà trường ở Singapore đang áp dụng một chương trình học tập quá tải với trẻ em. Nhiều gia đình phải cho con em đi học trường quốc tế để được vừa học vừa chơi theo phong cách Phương Tây. Đánh mất tuổi thơ, tuổi đẹp đẽ nhất trong một đời người, tuổi được tắm mình trong thiên nhiên nghe chim hót gió reo để lớn lên đủ sức đối mặt với sự tàn nhẫn của cuộc mưu sinh cơm áo tẻ nhạt hằng ngày….trẻ em Singapore đang phải trả giá cho đất nước nghèo khó tài nguyên thiên nhiên, đất hẹp người đông của mình. Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng câu chuyện đầy chất humour sau đây; Tôi có một người bạn vong niên, đẻ mãi mới được một cậu con trai út nối dõi tông đường. Một hôm cậu đang mãi mê chơi với chúng bạn trên hè phố. Chị cậu ta chạy lại lôi sồng sộc cậu về học bài. Tức giận quá cậu gào lên: Địt mẹ cái thằng nào nghĩ ra cái học để bố khổ thế này! Cứ thế cậu gào cái điệp khúc đó cho đến khi chị cậu lôi được cậu về nhà, ấn xuống cái ghế để ngồi học bài! Chửi “cái thằng nào nghĩ ra cái học” là cậu đã chửi tất cả những người lớn trên thế gian này rồi còn gì nữa! Chửi cả loài người tiến bộ rồi còn gì nữa! Thế mới biết trẻ con không được chơi nó giận dữ người lớn “khủng khiếp” đến dường nào! Tôi thương trẻ em Singapore quá! Người lớn có nên nghĩ lại về điều này không? Hỡi bạn đọc yêu mến của tôi./.
      
 Lê Phú Khải 
   8/2012