Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI? (truyện dài kỳ) -Từ Cua rận

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI? (truyện dài kỳ)

Truyền thuyết "Thánh Gióng" thì ai cũng biết rồi nhưng muốn kể lại cho vui. Dùng lối viết nôm, ít dùng từ Hán Việt nên có vẻ thô thô. Hư cấu hư véo thêm tí cho có mầu chuyện kể. Viết chưa xong nhưng vẫn thử đăng. Nếu độc giả hưởng ứng thì viết tiếp...
Ngày xửa ngày xưa…
Đời Hùng Vương thứ sáu. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Lúc bấy giờ, dân nước ta đang thuở sơ khai. Chữ Hán cũng chưa vào nước ta được bao nhiêu, đạo Khổng chưa ra đời, thế giới không bị ràng buộc bởi quân sư phụ… Người dân sống bởi cái tình là chính, còn cái lý cũng rất mực giản đơn: “Nói đúng cái thúng phải nghe”. Nói chuyện với nhau chả kể gì quan tước, vai trên vai dưới… gọi nhau vẫn “mày tao” như dân nước ngoài thời hiện đại.
(Sở dĩ phải giải thích như vậy để mọi người đừng trách người kể chuyện hay nói bậy nói bạ mà không theo phép tắc.)


Kỳ 1/ Ở làng Gióng thuộc bộ Vũ Ninh có một đôi vợ chồng đã già, sống lương thiện mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông bà rất lấy làm buồn phiền.

Giời thấy vậy thì thương. Nhân có một tướng nhà giời mắc lỗi, Giời bèn trừng phạt bằng cách cho xuống trần đầu thai nhà ấy để sau này lập công chuộc tội.

Người vợ già một hôm ra vườn cà thấy có dấu chân to bằng mười dấu chân người thường. Lạ quá! Sao lại có người to thế? Bà ta bèn cho chân mình vào ướm thử.
Khi đặt bàn chân mình vào cái dấu chân to đùng kia chợt thấy trong người rạo rực, lòng xuân lai láng như thuở còn mười tám đôi mươi.

Bà ta vội vàng về nhà, thấy ông chồng già đang ngồi ngoài sân cởi trần, dạng chân đan rổ, khố dây lỏng lẻo vắt sang một bên, bà lão càng rạo rực bội phần… Vội lôi thốc ông chồng vào buồng, cởi bỏ xống áo của mình, giật cái khố dây của ông lão… rồi vòng tay ghì riết…
Lúc thỏa mãn cơn dục tình, buông tay ra thì ông lão đã ngoẹo cổ, sùi bọt mép…

Bà không dám khóc to. Bảo rằng ông bị phải gió. Làng xóm xót thương giúp đỡ chôn cất ông chồng chu đáo.

Cũng từ hôm ấy bà lão có thai. Chín tháng mười ngày vẫn không thấy đẻ. Mọi người bảo là chửa trâu. Rồi đến mười hai tháng thì bà đẻ được một con giai đặt tên là Muộn.

Muộn đẻ ra mà không biết khóc. Rồi ba tháng, năm tháng, mười tháng không biết cười… hơn năm giời cũng chẳng u ơ lấy một tiếng, mọi người bảo là câm. Suốt ngày chỉ nằm mút tay, chân khua loạn xạ.

Bà già mải đi làm, để thằng bé Muộn nằm một mình ở nhà. Mũi rãi nhoe nhoét, ruồi nhặng bu đầy mặt.

Lúc bấy giờ giặc Ân phương Bắc lăm le xâm lược nước ta. Vua Hùng hoảng sợ bèn gọi các tướng lại họp bàn. Nhưng khổ một nỗi các tướng (lúc bấy giờ gọi là Lạc tướng) toàn con ông cháu cha chỉ giỏi đội mũ đeo râu ra oai với thiên hạ, chứ nghe đến đánh trận thì mặt xanh như đít ngóe. Vả lại lúc đó tướng nhiều hơn quân. Tất cả các tướng đồng thanh rằng phải án binh bất động.

Vua lại gọi các quan (gọi là Lạc hầu) đến hiến kế, các quan thảy đều lo sợ nếu đánh giặc thì nhà cao cửa rộng của mình tan hoang, đất cát tiền bạc mất hết, việc mua quan bán tước bị đình hoãn… Vậy nên đồng lòng tâu vua xin hòa để giữ ghế, để tiếp tục tham nhũng sách nhiễu dân lành.

Vua nghe theo quan tướng, cho người đem lễ vật sang triều đình nhà Ân xin làm chư hầu để được phong vương. Bọn giặc Ân được thể càng lộng hành. Nó sang giả vờ thuê đất thuê rừng, lấn biển… đưa người của nó vào làm rồi bóc lột thẳng tay người Văn Lang. Nham hiểm hơn bọn giặc còn đưa người khai khoáng mỏ vàng, mỏ bạc… bọn này dụ dỗ con gái Văn Lang nhẹ dạ, giả vờ lấy làm vợ để đồng hóa người nước ta và dễ bề vơ vét của cải. Hàng đoàn người ngựa kìn kìn chở vàng về phương Bắc mà vẫn không hết của. Bọn giặc lại bí mật đào hầm chôn giấu vàng bạc rồi dụ dỗ mua các thiếu nữ đồng trinh chôn sống làm thần giữ của đợi đời sau con cháu sang lấy. Dân Văn Lang biết hết, họ đã trình báo lên các quan nhưng bọn quan tướng Văn Lang chỉ biết giương mắt ếch ra nhìn mà không dám ho he phản đối dù chỉ một nhời…


Dân tình vô cùng bực bội. Các bậc kỳ mục trong làng ngoài xã tập hợp từng đoàn phản đối. Vua nhà Ân bắt vua ta và các quan tướng phải thẳng tay bắt bớ đánh dẹp. Rồi còn bắt vua loan báo rằng việc chống giặc là việc của triều đình. Cấm chỉ dân đen manh động. Đứa nào làm trái thì bắt chém.

Đã vậy triều đình còn bắt dân nay phải mở lễ hội mừng vua, mai phải mở tế lễ các thánh thần phương Bắc. Dân lại phải bỏ việc đồng áng để tập trung rước sách rất là vất vả. Người già cũng chẳng được tha.


Bà mẹ cậu bé Muộn mặc dù đã già vẫn phải đi làm nghĩa vụ với vua, với vua Ân đất Bắc. Cậu bé Muộn thường bị bỏ đói. Muộn ta nằm một mình đập chân thình thịch xuống chõng tre, rồi tự dưng mở miệng u ơ hét váng cả nhà. Chợt có một con nhặng vo ve bay đến đậu vào mang tai bảo:
- Mày khôn hồn thì nằm im. Mày mà nói bây giờ là mày phải chết đấy!

Thì ra Muộn biết nói chứ không phải là câm như mọi người thường nghĩ. Còn con nhặng chính là Thổ thần.

Cậu bé Muộn đành thì thầm chỉ đủ cho con nhặng nghe thấy:
- Sao tao lại không được nói!
- Mày nằm ở đây không biết. Mấy người đòi chống giặc, nhà vua bắt hết rồi. Mày mà nói ra, vua nó sai người đến cho một nhát thì xuống âm phủ, rồi thì không có cơ hội lập công chuộc tội với giời đâu. Cứ nằm im đấy mà đợi.
- Vậy lúc nào mới được nói?
Thổ thần nói:
- Bao giờ tao bảo mới được nói.
Muộn lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Rồi lại hỏi:
- Vậy nhỡ giặc nó đánh ngay sang đây thì sao.
Thổ thần bảo:
- Từ thuở Lộc Tục Kinh Dương Vương đến nay, giữ được nước giữ được đất là nhờ dân. Nay bọn vua quan triều đình bảo để chúng nó lo. Có mà lo được cứt! Cái lũ hèn này chỉ giỏi bắt nạt dân lành.... Mày cứ nằm im đấy đã, để chúng nó biết thân. Rồi chúng nó sẽ trắng mắt ra. Lúc bấy giờ mình đứng dậy cũng chưa muộn. Nhớ nhá! Cứ nằm im. Tức mấy cũng không được nói.

Thổ thần dặn vậy rồi bay đi. Muộn ta lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Từ đấy giở đi không u ơ gì nữa. Mọi người vẫn bảo là câm.
*********

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (kỳ 2)

 

Tuy vua quan Văn Lang đã thần phục, khom lưng quỳ gối cung phụng đủ điều nhưng vua nước Ân vẫn chưa vừa ý. Dã tâm của hắn muốn chiếm trọn Văn Lang để bành trướng cả vùng. Vì vậy vua Ân tập trung mấy mươi vạn quân ở biên giới chuẩn bị thôn tính nước ta.
Đến bấy giờ vua quan Văn Lang mới cuống lên. Vua triệu tất cả các quan tướng lại để bàn kế chống giặc.
Vua bảo:
- Triều đình ta đã chịu nhún hết mức, nhục như con chó rồi mà nhà Ân nó cũng chẳng vừa lòng. Nó cứ đánh nước ta. Bây giờ chúng mày tính thế nào?
Các Tướng thưa rằng:
- Quân nó thì đông gấp trăm lần quân ta. Ta mà chống lại thì chắc chắn ta sẽ thua, ta sẽ bị giết hết chỉ sau vài ngày...Bây giờ chỉ có dân mới có thể chống...
Vua tức quá chửi:
- Tao nuôi chúng mày cốt để khi có giặc xâm lược thì đánh giặc giữ nước, chúng mày lại bảo rằng hễ đánh thì thua. Vậy chúng mày là cái quân ăn hại à. Thật là cái lũ cơm toi… đuổi chức hết đi cho rồi.
Chửi xong lại quay sang các quan:
- Chúng mày tính kế thế nào?
Các quan bèn thưa:
- Dân tình cũng ngao ngán lắm rồi. Họ chẳng theo ta đâu.
- Sao vậy!
Các quan đành phải nói thật:
- Họ bảo rằng họ nghèo đói chẳng có sức mà đánh đấm. Vả lại trước đây người ta muốn nói thì bị triều đình bắt bớ chém giết. Nên bây giờ họ bảo: kệ, đứa nào khom lưng qùy gối cho đứa ấy chết.
Vua lại tức:
- Đem mà chém hết đứa nào nói như vậy! Dám bảo ai khom lưng quỳ gối?
Các quan lại thưa:
- Nếu chém hết thì lấy người đâu mà đánh giặc ạ!
Vua bảo:
- Chúng mày phải đi mà đánh!
Lập tức các quan run như rẽ, mặt xanh như tàu lá. Thế rồi người thì lấy lý do già yếu, kẻ thì thở than cảnh nhà khó khăn, đứa thì kêu rằng mình đang bệnh tật. Ngược hẳn với trước đấy mấy hôm người nào cũng bảo là khỏe mạnh sung sức khôn ngoan tuyệt vời xin làm quan mươi mười lăm năm nữa để tiếp tục vì dân vì nước… bây giờ các quan nhất loạt xin bỏ chức…
Vua hoảng quá chửi toáng lên, các quan tướng cũng chửi nhau loạn xị. Cả triều đình như cái chợ vỡ. Lúc thường mũ áo xênh xang thì thân mật lắm. Đến khi có giặc thì mới xoay ra quặc nhau. Quan đổ cho tướng là hèn, tướng đổ cho quan là ngu… thật chả ra làm sao.
Vặc nhau một hồi lâu. Chợt có một vị quan lên tiếng:
- Thôi không phải cãi nhau nữa! Dân nó nói vậy nhưng bụng vẫn yêu nước yêu làng. Quan tướng không đánh được giặc thì quan tướng phải tìm được người đánh giặc. Vậy tất cả quan tướng hãy chia nhau về các làng quê, kẻ chợ… đi rao tìm đứa có tài ra đánh giặc. Chả hơn còn đứng đấy mà cãi nhau. Giặc nó đến nơi cho mỗi đứa một nhát thì xong đời.
Vua nghe nhời ấy, cho là phải, liền bắt tất cả quan tướng đi rao. Các quan tướng mỗi người một thằng lính hầu, một cái loa… thất thểu về các làng rao rằng:
- Loa loa… loa…
Chiềng làng chiềng nước…
Giặc chó Ân xâm lược
Ác độc đến không cùng
Máu dân chảy ngập sông
Thây người chất thành núi

Ai là người tài giỏi
Ra cứu nước cứu dân
Dẹp tan lũ giặc Ân
Vua ta xin có thưởng…
. Loa.. loa…

Cậu bé Muộn đang nằm mút ngón tay, nghe thấy tiếng loa thì rút ngón tay ra khỏi miệng, xua ruồi bu trên mặt, chân đập xuống chõng thình thịch. Thổ Thần lại hóa thành con nhặng bay đến đậu vào vành tai:
- Bây giờ nói được rồi đấy!
- Nằm mà nói à? Muộn thì thào hỏi.
Thổ thần bảo:
- Nằm mà nói thì ai nghe! Phải ngồi dậy chứ.
Vậy là Muộn ta ngồi thẳng dậy, mồm gọi: “Mẹ ơi!”
Bà mẹ đang lúi húi nghe thấy tiếng gọi, chạy lên nhà thấy thằng con đang ngồi trên chõng. Lạ quá. Ba năm nằm ngửa tơ hơ mà nay thì ngồi chễm chệ… Chưa kịp mừng thì đã nghe đứa con dõng dạc:
- Mẹ ra gọi cái đứa gọi loa vào đây!
Bà mẹ sững người, mồm lắp bắp:
- Sao lại gọi? Gọi vào làm gì?Quan đấy. Nó oai lắm đấy. Nhỡ ra nó đánh cho…
Cậu bé Muộn vẫn khăng khăng:
- Mẹ cứ ra gọi nó vào đây…
Bà lão lập cập chạy ra ngoài đường tìm gặp ông quan. Quan nhà ta cùng tên lính hầu đã mấy ngày rao mà chẳng có ai hỏi gì. Nay thấy bảo có người gọi thì mừng lắm. Vội theo bà lão vào nhà.
Quan nhìn quanh, chỉ thấy trên chõng là một thằng bé lên ba, áo khố chẳng có.
- Đâu! Đứa nào gọi tao? Quan hỏi.
- Tao gọi đấy! Thằng bé dõng dạc trả lời.
Quan tròn mắt, há hốc mồm: Thằng ranh con cởi truồng, chưa biết vắt mũi… Lại dám gọi…

Muộn ta vẫn dõng dạc:
- Mày về bảo với vua làm cho tao một con ngựa sắt cao gấp chục lần người nhớn và một cây gậy sắt năm chục người khiêng, một bộ áo bằng sắt và một mũ sắt to gấp hai chục người bình thường đem đến đây để tao đi đánh giặc.
Quan bình tĩnh giở lại. Bắt đầu lên giọng oai:
- Láo tôm láo cá! Ba cái tuổi ranh.Vẫn còn mút vú mẹ. Đánh đấm cái gì…
Cậu bé Muộn vẫn bảo:
- Mày không tin phải không. Đã thế tao chả thèm nói nữa. Xem đây này.
Nói xong bèn vươn vai một phát, người cao gấp rưỡi… trông đã bằng thằng lên năm. Cái chõng tre rung rinh…
Quan ngơ ngác… Muộn từ trên chõng nhảy xuống đất. Lại vươn vai phát nữa: cao bằng thằng trẻ con mười lăm tuổi.
Quan xanh mặt, vội kéo tên lính hầu chạy ra khỏi nhà. Muộn cười hê hê. Bà mẹ cũng cười rồi chạy vội vào trong nhà.
Muộn ngơ ngác: Sao mẹ lại chạy? Cúi xuống nhìn. Ối giời ơi! Thì ra mình chẳng khố áo gì. Truồng nồng nỗng. Ngượng quá!
Mẹ đưa ra cho mảnh khố. Cậu ta cuốn tạm vào người. Bụng hóp lại, Muộn kêu:
- Mẹ ơi! Đói…
************

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (kỳ 3)

Lão quan cùng tên lính hầu thấy Muộn vươn vai vài phát mà nhớn nhanh như vậy thì hoảng, cả hai chạy một mạch cả ngày lẫn đêm về gặp vua. Vua hỏi:
- Chúng mày có tìm được người không.
Lão quan ấp úng thưa:
- Tìm được một thằng bé lên ba…
Vua chửi:
- Mày là đồ ăn hại! Thằng bé lên ba thì đâu chả có, bé thì làm được cái gì?
Quan thưa:
- Dưng mà lạ lắm: nó vươn vai hai phát mà đã gần bằng người nhớn. Nó vươn phát nữa thì còn to hơn cả vua…
Vua giận lắm chửi:
- Đứa nào to được hơn tao. Tao chém đứt đầu ngay.
Quan vội thưa lại:
- Nó vươn vai vài phát nữa thì còn hơn cả vua nước Ân ấy chứ.
Vua ta nghe thế thì không giận nữa. Vì thằng quan còn dám nói thằng bé ấy to hơn cả cái đứa to hơn mình. Bèn hỏi lại:
- Thật không?
- Thật!
Vua cho là sự lạ. Còn hỏi thêm: “Thế nó nói gì?” Lão quan kể lại rành mạch Muộn yêu cầu những gì những gì… Tên lính đứng bên cạnh xác nhận bằng cách gật đầu.
Vua bảo:
- Những thứ ấy có thể bắt thợ cả nước về cùng chung làm. Chỉ sợ nó nói khoác. Để tao đến tận nơi xem có đúng vậy không đã.
Rồi vua bắt người nhà đi tìm thợ cả nước và hô mọi người đóng góp sắt đồng để chuẩn bị làm các thứ theo lời của thằng bé. Rồi vua cùng lão quan xuống làng Gióng.
Vua xuống đến nhà Muộn đúng lúc bữa trưa. Thấy bà mẹ đang ngồi lặng lẽ nhìn con ăn cơm. Muộn ta lấy bát yêu vục vào cái nồi mười hai, lấy tay nhón cà muối, mỗi bát cơm to như vậy chỉ và hai phát là hết. Chả mấy chốc nồi mười hai cơm đã hết veo mà mồm vẫn còn thòm thèm chưa đã.
Vua hỏi:
- Sao mày ăn khỏe thế? Dễ đến bằng mười người…
Muộn bảo:
- Ăn vậy mới nhớn được.
Vua lại bảo:
- Mày thử nhớn tao xem nào!
Muộn không nói gì đứng lên vươn vai. Tự nhiên nhớn lên, đầu chạm xà nhà.
Vua cả kinh. Lại bảo tiếp:
- Còn nhớn được nữa không?
Muộn bảo:
- Còn! Dưng mà nhớn nữa thì đói lắm. Mẹ tao hết gạo rồi…
Người làng thấy bảo có vua về thì sang xem. Người ta túm đông túm đỏ trong nhà ngoài sân để xem vua. Và cùng vua xem Muộn ăn cơm, xem chàng ta vươn vai nhớn dậy. Ai cũng lè lưỡi sợ cho cái tài ăn khỏe của Muộn. Họ lại càng xót xa hơn khi mẹ Muộn đã nghèo lại còn phải nhịn cơm cho con ăn. Mọi người xì xào bàn bạc với nhau rồi cùng tản mát ai về nhà nấy.
Đến lúc bấy giờ vua mới tin vội tất tả về gọi các quan đốc thúc mọi người nổi lửa đốt lò rèn ngựa sắt, đúc gậy đồng, đóng áo sắt…Hàng muôn người tấp nập thổi bễ, quai búa, trăm cái lò cháy rừng rực, hàng núi sắt đồng đưa vào lò. Ròng rã suốt bảy ngày đêm búa đe chí chát.

Ngày thứ chín thì các thứ đã được đưa đến nhà Muộn. Ngựa đặt trên bánh xe do hai thớt voi kéo, còn gậy thì to hơn cột nhà phải mấy chục người khiêng lặc lè. Muộn ra xem, rồi chàng ta giơ tay khẽ đập một phát vào lưng ngựa. Cả một khối sắt to đùng sụp xuống tan tành. Muộn sầm mặt không nói gì.

Vua quan chưng hửng xấu hổ chỉ thiếu nước chui xuống đất.

Vua lập tức bắt tên quan trông coi việc rèn ngựa đem chém đầu vì tội hắn ăn bớt sắt, lơ là để thợ làm ăn gian dối. Rồi giao cho quan khác trông gương mà làm ăn cho cẩn thận. Viên quan được giao run bần bật nhận lệnh, không dám lơ là, không dám ăn bớt sắt đồng, đốc thúc thợ thuyền ra sức làm cho xong. Chín ngày sau thì ngựa sắt được sáu thớt voi kéo về làng Gióng.
Đoàn voi kéo ngựa sắt về đến nhà Muộn thì thấy dân làng tấp nập đội cơm, mang cà muối đến nhà chàng Muộn. Nhà giầu đội nồi ba mươi, nhà nghèo thì chỉ bưng cái niêu đất; bọn trẻ tay bê bịch cà muối gói bằng lá dong. Người ta lấy những cái nong to để ra giữa sân rồi trút cơm vào đấy. Dồn dịch tất cả quật thành bảy nong đầy tú ụ. Rồi trút cà vào những cái nong: được ba nong đầy. Muộn vòng tay cảm tạ xóm làng rồi ngồi xuống ăn cơm. Chưa đầy nửa khắc thì bảy nong cơm với ba nong cà hết nhẵn.
Ăn xong. Muộn khà một tiếng rồi bê hẳn cái chum nước mưa làm một hơi hết cạn sạch. Lúc bấy giờ mới bảo: No! Rồi vươn vai ba phát. Người cao đến bốn mươi thước*. Lừng lững như trái núi. Bắp chân bắp tay cuồn cuộn, ngực vồng thành múi. Khuôn mặt vuông vức, mỗi bước đi đất rung dưới chân, dáng điệu hiên ngang lẫm liệt, tiếng nói vang như sấm động:
- Đưa ngựa vào đây.
Sáu thớt voi kéo con ngựa sắt vào sân. Muộn vuốt vuốt đầu ngựa rồi ghé mồm thổi bảy hơi vào tai ngựa. Ngựa sắt chớp chớp mắt, vẫy tai. Muộn đập vào lưng ngựa một phát. Con ngựa như giật mình… tung vó. Chỗ chân ngựa hóa thành những cái ao nhỏ.
Vua và mọi người cả kinh.
Muộn mặc áo sắt đội mũ sắt rồi cúi xuống cầm cây gậy sắt. Cây gậy hơn năm chục người khiêng lặc lè mà Muộn cầm lên nhẹ nhàng như thể cái que. Người ta nhìn thấy chàng Muộn nhăn trán nhíu mày. Sao thế nhỉ? Cũng chỉ một thoáng qua… rồi mọi người thấy Muộn lắc nhẹ cánh tay, cây gậy đã xoay tít như chong chóng. Gió cuộn vù vù tiếng rít như tiếng sấm. Vua quan thất kinh mặt xanh nhợt nhạt, râu bay, tóc dựng… Dân làng mặt mũi hả hê, cánh đàn bà xuýt xoa bàn tán: “Ui giời! Mạnh thế! Khỏe thế!” Cánh đàn ông trai tráng trong làng lúc này cũng kẻ gậy người dao, mình trần khố dây xếp thành hàng đều chằn chặn đằng sau ngựa sắt. Tất cả vòng tay, mặt hướng về chàng Muộn rồi cùng hô: “Xin cho chúng tao cùng đi đánh giặc”. Muộn gật đầu ưng thuận. Tiếng hò reo của cánh đàn ông dậy giời dậy đất.
Bà mẹ già hom hem gầy guộc đứng tựa cửa nhìn con!
Muộn đặt gậy xuống đất, bước đến trước mặt mẹ, chàng quỳ xuống vòng tay cúi đầu:
- Chào Mẹ! Con đi…
Rồi chàng đứng lên, vòng tay vẫn giữ nguyên, cúi đầu hướng về phía dân làng:
- Chào tất cả bà con… Cảm ơn tất cả bà con. Muộn này còn mẹ già xin được bà con trông nom đùm bọc…
Đoạn cầm lấy cây gậy, Muộn nhảy lên ngựa sắt. Ngựa hí vang giời. Đoàn quân do Muộn dẫn đầu rần rần lên đường. Đi đến đâu nghe giời rung đất chuyển rùng rùng đến đấy.

Vua, quan, tướng, lính hầu rực rỡ áo mũ… cả bọn cụp mặt, đứng dạt về một bên nhường chỗ cho đoàn quân mình trần, khố bện.

Mẹ già vẫn tựa cửa, nước mắt chảy ròng ròng nhìn con đi. Dân làng bịn rịn giơ tay vẫy chào đưa tiễn.

Phía đồng xa… đoàn quân khuất dần sau bụi đỏ…
********

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI? (Kỳ 4)



Lũ giặc Ân kéo quân vào đánh nước ta như vào chỗ không người. Chúng đã biết đến sự hèn kém của vua quan Văn Lang nên càng huyênh hoang tàn ác. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc đốt phá. Đi theo bọn lính là một bọn dân phu, hễ cướp bóc được cái gì là bọn dân phu lại lặc lè tha về đất Bắc. Cái gì không chở được thì chúng đốt phá tan hoang. Giặc túm cẳng con đỏ ném vào lửa cháy. Gặp đàn ông, chúng giết hại không chút tiếc thương. Thấy đàn bà, chúng thay nhau hãm hiếp… tiếng kêu khóc ai oán dậy giời dậy đất: “ Ơi vua! Ơi quan! Sao để dân đen khốn khổ thế này”

Giời lửa đỏ nung hầm hập, đất loang máu chảy thành sông…

Chợt nghe có quân ta sắp tới gần, tướng giặc vội tập hợp quân sĩ nghênh chiến. Rồi cơ ngũ chỉnh tề, tướng giặc lên ngựa khua đao, lính tráng giương cung tên sắp sẵn. Tướng giặc hét vang: “Chuẩn bị! Hãy đánh cho bọn man di Văn Lang biết oai của nước nhớn!”
Cả đám nhao nhao:
- Đả… Đả… Đánh cho bọn man di biết thế nào là oai nước nhớn!
- Đả… Đả… Đánh cho bọn man di biết thế nào là oai nước nhớn!
Muộn thấy giặc. Chàng ghìm ngựa sắt chờ cho trai tráng theo kịp. Tướng giặc tưởng quân ta sợ hãi. Hắn vung tay. Lũ giặc ngoác mồm hô “Đả! Đả…” rồi ào ào xông lên.

Muộn vỗ vào lưng ngựa sắt. Ngựa hí vang giời. Hai vó trước tung lên trên không, hai vó sau dậm lún đất… Miệng ngựa phun luồng lửa hừng hực…

Lửa thiêu đám giặc Ân đứng đầu cháy đen như lũ kiến bị rang.

Muộn vung gậy sắt, lia một phát… Gió cuộn vù vù. Lũ giặc đứng giữa phọt óc chết như ngả rạ.

Quân ta ào ạt xông lên.
Ngựa sắt tung vó phun ngàn luồng lửa, Muộn vung gậy lia thêm phát nữa lũ giặc chết thêm một đám. Trai tráng lại hò reo…

Giặc vẫn còn đông lắm. Phía sau tướng giặc vẫn đốc thúc quân sĩ của nó xông lên.

Muộn lại vung gậy. Nhát lia gậy này làm một đám giặc nữa chết không kịp ngáp.

Nhưng gậy va xuống đất… gẫy làm ba… cát bắn tung tóe!

Giặc thấy vậy lại hò la lao tới.

Nghiến răng! Trợn mắt! Muộn thuận tay nhổ ngay bụi tre bờ bên cạnh vung mạnh. Giặc lại lăn ra từng đám. Nhiều cái đập làm búi tre xơ tướp. Chàng lại nhổ bụi tre khác. Cứ vậy. Cứ vậy. Văn Lang đâu có thiếu tre.

Lửa từ mồm ngựa vẫn phun ra, đám giặc ngã xuống đứa bị cháy thiêu, đứa ngắc ngoải bị trai tráng xông lên đập chết.
Tướng giặc hoảng quá vội vàng bỏ chạy. Lính tráng của chúng cũng vội vã chạy cho xa khỏi tầm lửa phun, ngoài tầm vung tre của Muộn. Quân ta ầm ầm đuổi theo.

Đến sát biên giới. Muộn dừng ngựa lại, và ra hiệu để mọi người dừng lại.

Lũ giặc thấy ta không đuổi nữa. Chúng dừng lại thở.

Chợt thấy Muộn nhảy xuống ngựa và tất cả quân Văn Lang đều quay lưng lại.

Bọn giặc tưởng bên Văn Lang núng thế định tháo lui. Chúng hò hét xông lên.

Muộn thong thả quay người. Chàng cúi xuống vén khố, chổng mông về đất giặc.

Bọn giặc ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Chợt nghe “ủm ùm” một tiếng như sấm. Tướng quân nhà Ân lăn quay chết tốt. Còn sót đứa nào thì sợ mất mật, mặt mũi ngác ngơ vừa chạy vừa chém nhau loạn xạ.

Thì ra chàng Muộn ăn cơm cà nên nóng ruột, bụng sôi sùng sục tức khí đầy hơi, lại thêm bực mình vì gậy sắt bị gẫy. Bèn xả một phát rắm cho đã đời vào đất giặc. Lũ giặc không chịu nổi cái khí ấy, lăn ra mà chết. Đứa còn sống cũng ra rồ ra dại tự chém giết lẫn nhau… **

Bên ta cả cười. Thong thả kéo nhau về mừng thắng trận. Đât nước đã sạch bóng giặc ngoài.


**(Chi tiết này trong sử sách chỉ nói rằng bỗng dưng “quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả”.)
*********

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (Kỳ cuối)


)
Đoàn quân thắng trận quay về đến chân núi Sóc, đã thấy vua quan hớn hở mở hội mừng công. Cả đám đang hỉ hả tâng bốc nhau tài giỏi.
Vẫn ngồi trên mình ngựa, Muộn cởi áo sắt, bỏ mũ sắt, ném phịch xuống đất. Cánh đàn ông làng Gióng cũng lặng lẽ đứng phía sau. Vua thấy vậy lật đật chạy lại, cao giọng bề trên:
- Khá khen cho người giai làng Gióng! Vào đây tao cho chén rượu, rồi về triều để tao cho cái chức Lạc tướng đứng đầu các quan.
Muộn lắc đầu:
- Tao chả cần.
Vua bảo:
- Về với tao được ăn sung mặc sướng. Rượu ngon gái đẹp. Đủ cả…
Muộn vẫn lắc đầu.
- Tao chả cần.
Vua chép miệng:
- Sao mà ngố thế! Bao nhiêu là công thế mà chẳng màng làm quan. Lại về vui thú ruộng vườn…
Muộn nói:
- Tao đánh giặc đâu phải vì vua! Tao đánh giặc vì nước, vì dân, vì mẹ tao. Tao không cần thưởng!
Vua lại bảo:
- Thì mày về làm quan cho tao để có nhiều vàng bạc mà nuôi mẹ già. Rồi cùng tao canh giữ cho mọi người trên mặt đất (!)
Muộn xẵng giọng:
- Đất của mình mà chẳng giữ được thì coi được gì cho ai. Giặc nó lấn nhà, mất nước đến nơi, bọn bay không lo chống trả, lại đi nịnh ngược lại nó…
Vua còn cố vớt vát:
- Thì tao cũng đã…đã làm ngựa sắt, gậy sắt…
Muộn chỉ thẳng vào mặt vua:
- Giỏi nhỉ! Rèn ngựa thì bớt sắt, đúc gậy sắt thì rỗng ruột, dồn cát vào cho đủ nặng… để ngựa sắt các ngươi làm ra chỉ đập nhẹ một phát đã tan tành, gậy sắt thì tao khua vài đường đã gẫy vụn. Ăn bớt ăn chặn cả những thứ dùng để đánh giặc thì có còn là con người? Hay là chúng mày có ý ngầm làm vậy để ta phải chết vì tay giặc? May mà ta được Thổ thần báo trước… Không biết xấu hổ, bây giờ lại dám kể công ư? Vua quan như thế thì sao có thể thu phục được lòng người, sao tao có thể ở lại!...
Còn nữa!- chàng Muộn nói chỉ đủ cho vua nghe thấy: qua những việc chúng mày đã làm, rõ ràng trong đám vua quan có nhiều đứa là tay trong của giặc Ân. Tao không sợ giặc, chỉ một phát rắm là xong. Nhưng tao ngại cái lũ hèn mọn tay sai theo giặc. Nếu tao về làm quan với chúng mày thì rồi sẽ có lúc chúng mày giở trò hèn mạt, ngấm ngầm cho tao một nhát… để tao chịu tội với giời à! Vì nhẽ ấy tao không thể ở lại.


Nói xong Muộn hướng về phía làng Gióng lạy ba lạy. Lại vòng tay cúi đầu trước cánh đàn ông làng Gióng: “Cảm ơn giai làng! Muộn còn mẹ già, xin giúp đỡ!” rồi quay ngựa bay vút lên giời.
Cánh đàn ông làng Gióng vòng tay đáp lễ và từ từ quỳ xuống ngẩng đầu nhìn theo người giời khuất dần, khuất dần vào mây trắng…
Vua toát mồ hôi, quỳ sụp xuống lạy như tế sao. Sau đấy chừng như biết tội, ra sức sửa sang mọi nhẽ để Văn Lang yên ổn được mấy trăm năm, nối qua mười hai đời vua nữa…rồi mất về tay Thục Phán.
HẾT.