Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

KIẾN AN

KIẾN AN*

Đồng đất Kiến An tựa bức tranh
Sông trăng uốn khúc núi giăng mành
Thiên Văn , Phủ Liễn ... miền tiên cảnh
Đa Độ, Lạch Tray ...  mướt mát xanh.
Quốc Pháp khi  xưa : Đây Tỉnh lộ
Việt Nam ngày mới : Chốn đô thành 
 Như cô thiếu nữ  mơ màng ngủ
Hãy đến  nơi này nhé  các anh .
----------
*Quận Kiến An -Thành phố Hải Phòng .

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

TÌNH KHÚC THÁNG BA 🥰
Gom mây làm chiếc thuyền con 🤪
Chờ người yếm thắm môi son má hồng
Mượn làn gió để làm sông
Thuyền yêu đi giưã những bồng bềnh mây
Băng qua ngọn núi rừng cây
Và kia vàng, đỏ ,tím .... đầy cánh hoa .
Mùa xuân của tiết tháng ba 💥
Mộng gần thì ít mộng xa thì nhiều
Hoa Xoan rụng có bao nhiêu
Để trăng sao cứ sang chiều ngẩn ngơ
Cuối thôn ai hát ầu ơ
Cho bông hoa gạo lững lờ đầu non
Sáo Diều một chiếc cỏn con
Ngày nào hai đứa dẫm mòn triền đê .
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, đám cưới và ngoài trời
Tháng ba mình hẹn nhau về 😘
Cho Trầu xanh lá vườn quê Cau vàng
Thân quen,hàng xóm,họ hàng
Rượu hồng Pháo đỏ cả làng chung vui .

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

HOA MUỐNG BIỂN

Trở về xóm cũ chiều nay
Nhìn hoa Muống biển nhớ ngày đã qua
Mỏng manh cánh trắng ngọc ngà
Bên đời hưu quạnh mà xa xót lòng.

Hoàng hôn lất phất gió giông
Hoa thì còn đó mà không thấy người
Mênh mông sóng trải ngàn khơi
Một mình ta với chân trời ngày xưa
Ngày hôm ấy nặng cơn mưa
Dìu nhau hai đứa đón đưa nhau về
Bên em anh thả bùa mê
Bến Nghiêng nghiêng cả lời thề hai ta
Đường chiều vui khúc tình ca
Đồ Sơn sơn thủy non xa nước gần .

Vẫn còn in dấu bàn chân
Lối mòn  trên cát đang dần mờ phai
Rau Muống biển vẫn miệt mài
Đơm bông mà vắng bóng ai hôm nào !

  

BẾN XƯA

BẾN XƯA 

Một chiều về lại bến xưa
Vẫn con đò với lưa thưa nếp nhà
Bao lần cải đã trổ hoa
Lộc bình  tím vẫn la đà trôi sông .

Trời mênh mông - Đất mênh mông
Lối xưa còn đó mà không thấy người
Hoài mong tìm lại nụ cười
Của mùa trăng khuyết đã mười mấy năm
Thương mình phận của rau Răm
Trách chi hoa Cải đã thăm thẳm đường
Người ta da phấn má hường
Dứt dây theo gió lẽ thường vậy thôi .

Thoáng chuông chùa đổ mấy hồi
Bến sông ngày ấy bóng tôi đổ dài
Hoàng hôn một khúc bi ai
Kìa vành trăng khuyết ai cài vào đêm .

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Ngoại tình là một trong ba vấn đề lớn nhất của gia đình Việt

Ngoại tình là một trong ba vấn đề lớn nhất của gia đình Việt

Chủ Nhật, 28/06/2015,
Ảnh minh họa: Msn.
Ảnh minh họa: Msn.
Xung đột giữa các thành viên trong gia đình, ngoại tình và nợ nần là ba vấn đề lớn nhất các gia đình hiện đại đang phải đối mặt. 
 
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) được công bố trong tọa đàm ngày 25/6 tại Hà Nội về “các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam”.
 
Trong nghiên cứu này, iSEE đã điều tra trực tuyến với hơn 1.500 người, thực hiện trong tháng 5 và 6. Kết quả cho thấy, gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như: Xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%)... Đặc biệt, tình trạng ngoại tình được phụ nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam giới. Cứ 10 chị em thì có hai người cảm thấy đây là vấn đề trong gia đình mình, trong khi con số này ở nam giới chỉ khoảng 1/10.
 
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ nữ có cảm nhận "không bình yên" và "không thỏa mãn" trong gia đình nhiều hơn nam giới. Những khía cạnh thường khiến chị em thấy ấm ức là chia sẻ tình cảm, hành động quan tâm chăm sóc, sự chung thủy của bạn đời, phân chia việc nhà. Bạo lực gia đình cũng là vấn đề đối với không ít phụ nữ được hỏi (khoảng 6%).
 
Thạc sĩ Phạm Thanh Trà, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho hay, kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay khuôn mẫu "đàn ông là trụ cột gia đình" hay "cha là nóc nhà" vẫn phổ biến, một mặt dẫn đến định kiến với các gia đình đơn thân cũng như áp lực đối với nam giới. Phái nam đang chịu nhiều áp lực hơn nữ về việc kiếm tiền nuôi gia đình. Khi được hỏi, hơn một nửa số nam giới khẳng định mình bị gánh nặng về đảm bảo ngân sách cho gia đình và số khác thì mệt mỏi vì phải cân bằng giữa công việc với gia đình hay quan hệ với họ hàng. 
 
Tuy vậy, theo thạc sĩ Thanh Trà, trong khi những quan điểm truyền thống như gia đình phải có bố mẹ và con vẫn chiếm ưu thế thì đã bắt đầu xuất hiện một số quan điểm mới tích cực như coi trọng tình yêu thương, tự do cá nhân, sự riêng tư, trung thực. 
 
“Chúng tôi không muốn đưa ra khuyến cáo hay nhận định gì về tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay mà chỉ muốn đặt câu hỏi 'Làm sao lan tỏa những giá trị cốt lõi tình yêu thương, tự do cá nhân, sự bình đẳng' để giúp xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới", bà Thanh Trà bày tỏ.
 
Phát biểu tại tọa đàm về định hướng phát triển gia đình Việt Nam, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, nếu như trong gia đình truyền thống, mục đích đầu tiên của hôn nhân là chức năng sinh con (để có sức lao động, nương tựa khi về già…), thì trong tương lai chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm sẽ nổi trội lên. Cùng với đó, sự tôn trọng và bình đẳng vợ chồng, sự hòa hợp về tình dục cũng trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống gia đình. 
 
"Giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, tình yêu thương và sự chia sẻ vẫn là những giá trị cốt lõi và bất biến nhất của gia đình Việt Nam, không phân biệt loại hình gia đình nào”, ông Vân nói.